“Cần khắc phục ô nhiễm môi trường nước tại xã Phú Thành”

07:04, 25/04/2013

LTS: Báo Vĩnh Long số ra ngày 11/4/2013 có bài viết phản ánh của bạn đọc “Nhân dân trong xã rất bức xúc về việc các hộ nuôi cá thải nước bẩn ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, nhất là ở khu vực 2 ấp Phú Xuân và Mái Dầm (...) Hiện nay vào mùa khô nước cạn kiệt, một số hộ dân ở gần các ao cá trong khu vực phải chịu cảnh ô nhiễm trầm trọng (...) Đề nghị cơ quan chức

LTS: Báo Vĩnh Long số ra ngày 11/4/2013 có bài viết phản ánh của bạn đọc “Nhân dân trong xã rất bức xúc về việc các hộ nuôi cá thải nước bẩn ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, nhất là ở khu vực 2 ấp Phú Xuân và Mái Dầm (...) Hiện nay vào mùa khô nước cạn kiệt, một số hộ dân ở gần các ao cá trong khu vực phải chịu cảnh ô nhiễm trầm trọng (...) Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm để đảm bảo môi trường sống, sức khỏe cho người dân”.

Với chức năng quản lý chuyên ngành, thật đáng hoan nghênh là Chi cục Thủy sản Vĩnh Long đã tổ chức đoàn đi khảo sát, xác minh và kiểm tra tình hình nuôi, xử lý nước thải của vùng nuôi cá xã Phú Thành từ ngày 12/4- 15/4/2013 ngay sau khi báo phát hành.

Sau khi phối hợp làm việc với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trà Ôn, UBND xã Phú Thành và kiểm tra thực tế tại 26 hộ nuôi cá lóc và các ao nuôi cá tra của Trại cá Phú Xuân thuộc Công ty Thủy sản Miền Nam, hộ nuôi Võ Văn Đấu ở ấp Phú Xuân và ao nuôi của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản thuộc Công ty Caseamex ở ấp Mái Dầm, Chi cục Thủy sản Vĩnh Long thông tin kết quả thực hiện như sau:

Thông tin từ UBND xã Phú Thành: UBND xã Phú Thành cho biết, hầu hết cư dân đây sử dụng nước sinh hoạt “cây nước” khoan và đến nay xã chưa nhận được bất kỳ đơn, thư của người dân phản ảnh việc nuôi cá tra gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của họ.

Mặc dù trong cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương vào cuối năm 2012, người dân có phản ảnh về vấn đề ô nhiễm do nuôi cá tra.


Chi cục Thủy sản Vĩnh Long kiểm tra chất lượng nước xả thải ra môi trường từ các ao nuôi cá.


Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã có đến lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu môi trường tại các vùng nuôi của trại cá Phú Xuân, kết quả phân tích cho thấy các chỉ tiêu môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép.

Riêng hộ ông Võ Văn Đấu thì người dân phản ảnh ông đã bơm bùn thải trực tiếp ra sông gây ô nhiễm nhưng Phòng Tài nguyên và Môi trường đã đến làm việc và ông đã làm cam kết không bơm bùn thải ra sông mà đưa vào vườn.

Thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trà Ôn: Số liệu lưu trữ về kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường vùng nuôi cá tra tại xã Phú Thành đều nằm trong giới hạn cho phép theo Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi cá tra thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau khi kiểm tra tình hình xả thải ở vùng cá tra của Trại cá Phú Xuân thuộc Công ty Thủy sản Miền Nam, hộ nuôi Võ Văn Đấu ở ấp Phú Xuân và vùng nuôi của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản thuộc Công ty Caseamex ở ấp Mái Dầm, kết quả cho thấy vùng nuôi của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản thuộc Công ty Caseamex đã được chứng nhận GlobalGAP nên đảm bảo an toàn về môi trường do có kinh xử lý nước thải theo đúng tiêu chuẩn quy định.

Riêng ao nuôi của Trại cá Phú Xuân và hộ ông Võ Văn Đấu thì nước thải xả trực tiếp ra sông và cơ quan chức năng cũng cho các hộ này làm cam kết bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra các chỉ tiêu môi trường đã cho thấy các chỉ tiêu môi trường như pH, Amoni (NH3), nitrite (N02), độ trong và hàm lượng oxy hòa tan ở vùng nuôi cá tra xã Phú Thành đều nằm trong giới hạn cho phép theo Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT (có quy định về giới hạn cho phép yêu cầu chất lượng nước thải từ ao nuôi cá tra sau khi xử lý).

Song, không dừng lại ở kết quả đó, Chi cục Thủy sản tiếp tục làm rõ vấn đề trên qua việc khảo sát các hộ nuôi cá lóc tại ấp Mái Dầm, xã Phú Thành- mô hình nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do cho ăn bằng thức ăn tự chế.

Qua khảo sát cho thấy, tại ấp Mái Dầm có 26 hộ nuôi cá lóc với diện tích đang nuôi là 5.212m2 bằng các hình thức nuôi như nuôi ao, nuôi vèo, nuôi bể. Thức ăn cho cá lóc là thức ăn viên công nghiệp hoặc thức ăn viên kết hợp với cá tạp, nhưng hiện nay do nguồn cá tạp khan hiếm nên chủ yếu là các hộ nuôi cá lóc bằng thức ăn viên công nghiệp.

Qua kiểm tra tình hình xả nước thải ra môi trường thì có khoảng 30% nước thải xả trực tiếp xuống sông, 70% nước thải xả xuống mương vườn, sau đó mới thoát ra sông. Kết quả kiểm tra các chỉ tiêu môi trường như pH, Amoni (NH3), nitrite (N02), độ trong và hàm lượng oxy hòa tan cũng đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định.

Tuy nhiên, với hiện trạng nuôi như trên thì nguy cơ gây ô nhiễm cục bộ nguồn nước nơi sản xuất là rất khó tránh khỏi.

Vì vậy, Chi cục Thủy sản đã yêu cầu các cơ sở nuôi thực hiện bản cam kết bảo vệ môi trường và có kế hoạch triển khai dự án ATVSTP năm 2013, các cơ sở nuôi nơi đây sẽ được truyền thông và tập huấn về quy định của pháp luật, kiến thức và kỹ thuật nuôi đảm bảo ATVSTP và an toàn về môi trường.

Bên cạnh đó, thời gian qua chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng luôn quan tâm đến việc quản lý nuôi trồng thủy sản nhất là các vùng nuôi cá tra, đồng thời luôn tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và có biện pháp xử lý theo đúng quy định hiện hành đối với các cơ sở hoạt động lĩnh vực thủy sản gây ô nhiễm môi trường nhằm giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và môi trường tự nhiên góp phần đảm bảo ngành nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững.

Với kết quả khảo sát, xác minh, kết quả kiểm tra chất lượng nước xả thải từ các cơ sở nuôi cá ở xã Phú Thành như trên thì thông tin nuôi thủy sản (nhất là cá tra) có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân theo phản ảnh của bạn đọc Báo Vĩnh Long là chưa đủ cơ sở.

Tuy nhiên, với chức năng quản lý chuyên ngành, Chi cục Thủy sản xin trân trọng ghi nhận phản ảnh này để tăng cường hiệu lực và hiệu quả hơn trong công tác đảm bảo an toàn môi trường, ATVSTP trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

CHI CỤC THỦY SẢN VĨNH LONG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh