Trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho giải pháp xử lý rác thải trong trường tôi đang công tác, câu chuyện về sáng kiến cải tiến lò bánh tráng của vợ thành lò đốt rác trong trường học rất hiệu quả đã được phổ biến ở Vĩnh Long của đồng nghiệp Nguyễn Thanh Liêm, giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường THCS Phú Thành, huyện Trà Ôn có sức thu hút mãnh liệt đối với tôi.
Trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho giải pháp xử lý rác thải trong trường tôi đang công tác, câu chuyện về sáng kiến cải tiến lò bánh tráng của vợ thành lò đốt rác trong trường học rất hiệu quả đã được phổ biến ở Vĩnh Long của đồng nghiệp Nguyễn Thanh Liêm, giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường THCS Phú Thành, huyện Trà Ôn có sức thu hút mãnh liệt đối với tôi.
Tôi đề xuất với hiệu trưởng nên ứng dụng mô hình này để giải quyết vấn đề rác ứ đọng và giảm chi phí thường xuyên do khỏi phải hợp đồng xe lấy rác. Tất nhiên, hiệu trưởng rất phấn khởi và đồng ý vì đây là một giải pháp đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả.
Hình ảnh và lời mô tả về mô hình lò đốt rác của anh Liêm trên các bài báo khá rõ nét có thể nghiên cứu, ứng dụng được. Tuy nhiên, để bảo đảm cho đề xuất của mình có cơ sở thực tiễn đồng thời cũng để “ăn chắc” khi đưa vào thực hiện, tôi lại đề xuất một chuyến thực tế về tận nơi phát tích của chiếc lò này.
Đêm trước chuyến đi, tôi vào trang mạng Google để dò “đường đi nước bước” trên bản đồ trực tuyến tỉnh Vĩnh Long. Từ chỗ trường tôi đến Trường THCS Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ước trên 150km. Một chặng đường khá xa và hoàn toàn xa lạ- ngay cả người đồng hành vốn là học trò cũ của tôi, đã từng lăn lóc ở TP Vĩnh Long khi còn là sinh viên Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng vẫn lúng túng vì chưa từng một lần tới Trà Ôn. Đường đi lạ đã là một chuyện khó và đáng lo nhưng cái làm cho tôi lo hơn nữa là liệu nơi mình đến có sẵn lòng trong khi quỹ thời gian cho chuyến đi này của chúng tôi chỉ vẻn vẹn trong một ngày?
Cuối cùng thì chúng tôi đã mất hơn 4 tiếng để đến được Trà Ôn, nhưng mọi chuyện đều thuận lợi. Từ những người chỉ đường nhiệt tình, hiếu khách cho đến thái độ ân cần, đầy trách nhiệm của những người ở Phòng GD-ĐT huyện Trà Ôn. Một anh cán bộ còn khá trẻ biết tôi từ xa đến, vừa bắt tay chúng tôi vừa vào đề luôn: “Các anh đi xa dữ hả? Nhưng giờ mà đi tới trường Phú Thành thì còn xa lắm, phải qua phà. Thôi, tôi sẽ giới thiệu các anh xuống một trường gần đây, 2 cây số thôi, Trường Tiểu học Thiện Mỹ 2 để tham quan. Giờ trường nào của chúng tôi cũng ứng dụng mô hình lò đốt rác này hết rồi”. Nói xong, anh bấm điện thoại di động gọi cho hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiện Mỹ 2. Nói chuyện xong, anh bảo: “Hiệu trưởng đang dự hội nghị ở đây nhưng giờ các anh cứ xuống trường, sẽ có phó hiệu trưởng tiếp”.
Ở Trường Tiểu học Thiện Mỹ 2, đúng như anh cán bộ ở phòng đã nói, phó hiệu trưởng đang chờ chúng tôi. Sau khi chào hỏi xã giao, phó hiệu trưởng khoảng trên 40 tuổi tên Vĩnh dẫn chúng tôi ra vị trí lò đốt rác. Rất vui vẻ và nhiệt tình, anh giới thiệu cho chúng tôi rất chi tiết từ kết cấu xây dựng đến cơ chế vận hành của lò đốt rác. Anh cũng không quên “rút kinh nghiệm” để chúng tôi có thể làm tốt hơn. Chúng tôi chụp một vài tấm ảnh lò rác và còn Vĩnh còn để một tập giấy trước mặt tôi, bảo: “Đây là bảng dự toán và chiết tính xây lò đốt rác của trường tôi làm từ năm 2009, giá cả bây giờ khác rồi nhưng các anh có thể tham khảo”.
Như vậy là chuyến đi của chúng tôi đã đạt được mục đích một cách mỹ mãn! Tôi không nghĩ là chuyến đi lại thuận lợi như thế. Có được điều này là nhờ vào sự thân thiện, nhiệt tình của những con người Vĩnh Long. Từ những người chỉ đường gặp ngẫu nhiên cho tới những đồng nghiệp là nhà giáo ở Phòng GD-ĐT Trà Ôn, ở Trường Tiểu học Thiện Mỹ 2 đã trải lòng giúp đỡ chúng tôi một cách vô tư, trong sáng.
Rồi trường chúng tôi sẽ chủ động giải quyết được vấn đề rác thải nhờ ứng dụng mô hình “lò đốt rác trường học” mà chúng tôi có được từ chuyến tham quan này.
Vĩnh Long thật thân thiện. Xin cảm ơn!
LÊ MINH HOÀNG (Tiền Giang)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin