Thời nay... "bánh đúc có xương"

Cập nhật, 05:29, Thứ Năm, 01/06/2017 (GMT+7)

Người đời xưa nay vẫn từng bảo “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng...!”, và câu nói ấy có thể đúng với đại đa số hoàn cảnh thực tế, nhưng nó lại không đúng trong trường hợp của gia đình tôi.

Tôi sinh ra trong một gia đình tại một miền quê êm đềm. Tuổi thơ tôi cũng như bao nhiêu những đứa trẻ quê khác, đôi khi có đói ăn, thiếu mặc nhưng vẫn luôn được sự bao bọc chở che và tình yêu thương của mẹ cha.

Cuộc sống bình lặng trôi qua cho tới khi tôi bắt đầu bước vào lớp học cấp 2 trường làng, rồi ông trời đã bắt gia đình tôi phải chịu cảnh ly tán, khi mẹ bị mắc bệnh hiểm nghèo.

Với phương châm “còn nước còn tát”, bố tôi đã dốc tất cả những tiền bạc, những gì là tài sản quý giá nhất của gia đình để đưa mẹ đi bệnh viện cứu chữa, kể cả lúc kinh tế cạn kiệt rồi phải đi vay mượn bà con chòm xóm.

Thế nhưng tất tật những nỗ lực của bố, cùng sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ bệnh viện cũng chẳng thể mang lại kết quả gì, bởi chỉ sau mấy tháng kể từ ngày lâm trọng bệnh, mẹ tôi đã rời cõi nhân gian để trở về với tiên tổ.

Đau buồn trước sự ra đi của mẹ, bố tôi đã định sẽ không lấy một người đàn bà nào khác nữa, bởi trong thâm tâm bố sợ cảnh mẹ ghẻ con chồng khiến chị em chúng tôi phải khổ.

Thế nhưng, sau vài năm để tang mẹ, do lời khuyên của ông bà ngoại, cộng với sự phân tích thiệt hơn của ông bà nội về sự quan trọng một hình bóng người phụ nữ trong gia đình, và nói bố nên lấy vợ để có người thay mẹ chăm sóc các con...

Cuối cùng, sau bao đắn đo, suy nghĩ, bố tôi đã “đi bước nữa” với một người đàn bà trong tình cảnh quá lứa nhỡ thì ở làng bên.

Thoạt đầu, khi dì ghẻ mới về làm vợ của bố, không chỉ riêng những người thân nội, ngoại trong gia đình tôi, mà nhiều người hàng xóm láng giềng cũng lo ngại cho chị em chúng tôi bởi tính cách sắc sảo và có phần hơi đanh đá, ghê gớm của dì.

Thế nhưng, trái với suy nghĩ, lo sợ của mọi người, ngay từ những ngày đầu dì về làm dâu nhà bố, tôi đã cảm nhận được từ sâu thẳm trong dì. Đó là một người đàn bà sống có tình cảm, hết mực yêu thương chồng cũng như các con của chồng.

Nhà vốn nghèo, sau đó càng kiệt quệ sau cơn bạo bệnh của mẹ, nên khi dì về, tôi đã có ý định sẽ nghỉ học ở nhà để đi làm phụ giúp dì kiếm tiền nuôi em ăn học.

Khi trình bày nguyện vọng nghỉ học với bố, bố tôi cũng có vẻ nghe theo ý tôi, cho tôi được nghỉ học, nhưng dì đã gạt phăng đi và bảo với bố:

- Anh không được để con nó nghỉ học! Anh cho nó nghỉ học để đi làm là anh giết nó, đóng sập tương lai sự nghiệp của nó.

Anh có biết ở cái làng này, xã này và rộng hơn là trong cả cái huyện này những đứa trẻ không có học thì về sau này không thể thoát cảnh làm thuê làm mướn hay đầu tắt mặt tối nơi ruộng đồng mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc...

Rồi dì quay sang tôi tiếp lời:

- Con nghe dì, con cứ phải đi học tiếp, kể cả em của con cũng phải học cho đến nơi đến chốn. Dì biết nhà mình nghèo túng nhưng dù có thế nào đi nữa, phải đi vay đi mượn tiền bạc dì cũng sẽ lo cho các con học hành bằng bạn bằng bè.

Chính vì thế con phải học, phải tiến thân bằng con đường học thức! Chẳng nói đâu xa, như dì đây, nếu ngày xưa không theo chúng bạn bỏ học nửa chừng thì giờ đâu phải chịu cảnh quẩn quanh ở quê như thế này, biết đâu có học giờ đã là ông nọ bà kia...

Qua bữa đó tôi càng cảm phục sự thật lòng của dì, chứ nó không hề “môi, miệng” đãi bôi như thiên hạ vẫn hay đàm tiếu về những bà mẹ ghẻ luôn đối xử với con của chồng không ra gì.

So với vài gia cảnh mẹ ghẻ con chồng trong làng tôi ở cùng thời điểm, khi con cái nhà họ phải bỏ học, phải ăn đói mặc rách, phải làm lụng đầu tắt mặt tối mà vẫn không tránh khỏi những chửi bới kèm những đòn roi lằn da tím thịt, thì chị em chúng tôi quả là sung sướng, hạnh phúc.

Chuyện học hành của cả chị em tôi, dì luôn chu toàn từ lọ mực, cái bút, cho tới sách vở. Ngay như quần áo dì cũng lo mua cho chị em mỗi đứa vài bộ tươm tất chứ không phải mặc áo vá chằng vá đụp như hồi mẹ còn sống. Nói vậy không phải là để so bì, nhưng quả là từ khi thiếu mẹ, chị em chúng tôi được dì bù đắp nhiều nên nỗi đau mồ côi mẹ với chúng tôi cũng vơi ít nhiều.

Còn chuyện sinh hoạt ăn uống hàng ngày, nhiều khi bố và dì buổi sáng phải ăn khoai lang luộc, ngô bung để đi làm đồng, nhưng bao giờ tối hôm trước dì cũng nấu dôi thêm ra một phần cơm để sớm mai rang cho chị em tôi ăn để đến trường.

Nói chung, dì luôn chịu phần ăn đói, mặc rách để nhường nhịn cho chị em chúng tôi. Tình cảm, sự yêu thương chan chứa của dì là chân thật, không hề giả dối mà chị em chúng tôi luôn cảm nhận được.

Bố tôi, những người hàng xóm, những người họ hàng trong gia đình nội ngoại hai bên của tôi cũng cảm nhận được sự tử tế của người đàn bà đã về làm vợ kế của bố tôi.

Không chỉ trong những năm đầu dì chưa có con chung với bố thì dì mới sống tốt với các con của vợ cả, mà kể cả khi đã có thêm 2 đứa em, dì vẫn luôn đối xử với các con như nhau, nghĩa là vẫn hết lòng yêu thương đùm bọc chứ không có sự phân biệt giữa con của mình đẻ ra với con trước của chồng.

Năm đó, tôi chia tay gia đình, tạm biệt dì để lên thành phố học đại học. Thời khắc chia tay, tôi bùi ngùi và thầm cảm ơn dì nhiều, bởi nếu không có dì thì sẽ không thể có ngày tôi được lên thành phố để tìm hướng đi cho mình vào đời bằng con đường tri thức.

Từ giây phút đó, tôi đã không còn kêu bằng dì nữa, mà tiếng mẹ đã phát ra từ con tim và sự nghĩ suy của mình. Tôi còn nhớ như in, khi chuẩn bị lên xe đò, dì lật đật chạy lại dúi vào tay tôi mấy triệu đồng khi vừa bán vài con lợn choai. Dì dặn dò tôi:

- Con lên thành phố cố gắng chăm chỉ học hành, đừng sa đà chơi bời con nhé!

Tôi vội vã nói lời “cảm ơn mẹ”, rồi tạm biệt quê nhà. Trên quãng đường dài từ quê lên thành phố, lòng tôi đan xen bao suy nghĩ, và bên tai luôn vẳng lên hai tiếng “mẹ- con” thân thương tình cảm!

Tôi muốn nói hàng ngàn lần lời cảm ơn dì- người mẹ dẫu không sinh ra nhưng đã đảm nhận phần nuôi tôi lớn khôn. Thế mới biết trên cuộc đời này bánh đúc vẫn có thể... có xương, và vẫn có những người dì ghẻ hết lòng yêu thương và dành tình cảm cho con chồng, như mẹ kế của tôi!

NGUYỄN LONG (TP Hồ Chí Minh)