Những thanh âm hy vọng

Cập nhật, 21:51, Thứ Sáu, 16/10/2020 (GMT+7)

 

Một buổi biểu diễn của các thành viên CLB Âm nhạc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh.
Một buổi biểu diễn của các thành viên CLB Âm nhạc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh.

Có những người sinh ra chưa từng thấy ánh sáng mặt trời nhưng họ vẫn vững vàng đứng thẳng trên đôi chân của mình, họ vẫn hát, múa bằng trái tim đầy khát vọng. CLB Âm nhạc thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh gắn kết những số phận không may mắn và thắp lên hy vọng từ những thanh âm.

Sáng tháng 10 mưa rả rích nhưng buổi họp mặt của CLB Âm nhạc thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh không thiếu thành viên nào. Có một anh đang mân mê cây đàn guitar, ở góc khác thì bác lớn tuổi đang cân chỉnh âm thanh trên cây đờn kìm chuẩn bị cho những bài vọng cổ thật ngọt ngào. 

Thỉnh thoảng gặp nhau trong những buổi giao lưu văn nghệ và hàng quý sinh hoạt CLB một lần, các chị em rôm rả hỏi thăm nhau về cuộc mưu sinh, người thì “khoe” vừa tập được bài hát mới rồi tự tin bước ra sân khấu, cất cao giọng hát.

Nếu ngồi ở đấy và nhắm mắt lại, chỉ lắng nghe giọng hát trong trẻo, ngọt ngào, sâu lắng thì khó mà tưởng tượng được “người nghệ sĩ” đang hát đã từng trải qua những khó khăn thế nào.

Căn bệnh sốt ban sởi lúc 3 tuổi đã cướp đi đôi mắt của chị Nguyễn Thị Phóng. Với chất giọng ngọt ngào trời phú, chị đã sớm tập tành ca tài tử, rồi tham gia CLB Đờn ca tài tử xã Thới Hòa (Trà Ôn). Mê đờn quá, ba cho 5 giạ lúa, má lột đôi bông bán vừa đủ tiền mua cây đờn tranh.

Và chính cây đờn này cùng chị thi đậu hệ trung cấp nhạc dân tộc của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh. Sau một thời gian ở TP Hồ Chí Minh, chị về Vĩnh Long nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Người mù và phụ trách CLB Âm nhạc người khiếm thị.

Chị Nguyễn Thị Phóng chia sẻ: “CLB thành lập từ 2012, chỉ dành cho người khiếm thị nhưng khi các hội nhập lại thì thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng cho cô chú, anh chị người khuyết tật khác cùng tham gia. CLB hiện có 20 thành viên, người nhỏ nhất 13 tuổi lớn nhất đã ngoài 70 tuổi.

Những người khuyết tật thường rất nhút nhát, chúng tôi tạo sân chơi để họ có thể cùng hòa nhập cộng đồng, chia sẻ cùng nhau mọi vấn đề trong cuộc sống”.

Anh Nguyễn Hoàng Thơ (thứ 2 từ trái sang) nhận giải thưởng trong cuộc thi hát dành cho người khuyết tật.
Anh Nguyễn Hoàng Thơ (thứ 2 từ trái sang) nhận giải thưởng trong cuộc thi hát dành cho người khuyết tật.

Anh Nguyễn Hoàng Thơ (40 tuổi, ở huyện Tam Bình) là gương mặt quen thuộc trong những buổi giao lưu văn nghệ và đạt những giải cao trong các cuộc thi hát dành cho người khuyết tật. Anh cười tươi, nói: “Ngày còn nhỏ, nghe hát trên đài, tôi thường hát theo, học thuộc và rồi biết hát.

Cuộc sống của một người bị khiếm thị nhiều khó khăn vất vả nhưng mỗi khi cất tiếng hát tôi thấy vơi đi những nỗi nhọc nhằn. Anh chị em có dịp ngồi cùng nhau hát ca, chia sẻ để thêm tự tin hòa nhập cuộc sống”.

“Những trái tim khát vọng” được cất lên tiếng hát, để tin yêu, tin vui với cuộc đời. Em Trần Thị Ngọc Tuyền (xã Đồng Phú- Long Hồ) là một “minh chứng” mà chị Nguyễn Thị Phóng kể rằng âm nhạc và những chuyến đi giúp em ấy tự tin hơn, vui vẻ hơn.

Còn thấy được ánh sáng lờ mờ nhưng tuổi 20 của Tuyền trôi qua với những ngày u buồn quanh quẩn trong nhà.

Em Trần Thị Ngọc Tuyền tự tin hát trong buổi sinh hoạt của CLB.
Em Trần Thị Ngọc Tuyền tự tin hát trong buổi sinh hoạt của CLB.

Chị Phóng tìm tới nhà, động viên ba mẹ Tuyền cho con gái út theo chị lên TP Hồ Chí Minh. “Nhờ chị động viên, mỗi khi đi sinh hoạt lại dẫn em theo, em gặp gỡ được nhiều người, học hỏi nhiều em mới tự tin hơn. Chị về Vĩnh Long làm, em cũng theo.

Tấm gương vượt qua bóng tối cùng lời ca, tiếng đàn của chị Phóng đã giúp em thêm nghị lực, tự tin hơn trong cuộc sống.

Em sinh hoạt ở CLB đã 7 năm, em được giao lưu, đi đây đi đó rất nhiều. Mỗi kỳ sinh hoạt gặp các cô chú, anh chị, kể cả các em nhỏ hơn mình, được chia sẻ cùng nhau, từ đó rút kinh nghiệm, có ra ngoài đi làm cũng vững vàng hơn, tự tin hơn rất nhiều”- Ngọc Tuyền chia sẻ.

Theo bà Lê Thanh Xuân- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh, những buổi giao lưu, hội thi ca hát, sinh hoạt CLB tạo điều kiện để người khuyết tật vượt lên chính mình, tiếp cận với đời sống văn hóa văn nghệ, được thể hiện năng khiếu.

Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về khả năng đóng góp của người khuyết tật trong đời sống văn hóa, để cộng đồng có thêm sự cảm thông, chia sẻ, trân trọng và tôn vinh tài năng của người khuyết tật.

Mỗi người ở CLB là một tấm gương về nghị lực và khát vọng vươn lên. Số phận có thể không may mắn, nhưng họ biết đứng lên bằng chính trái tim mạnh mẽ. Thanh âm hy vọng cất lên, thay lời họ muốn nói, họ thiết tha yêu cuộc sống, chưa bao giờ gục ngã và thôi khát vọng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ