Nỗ lực cứu chôm chôm "chững lại" sau hạn mặn

Cập nhật, 05:38, Thứ Sáu, 26/06/2020 (GMT+7)

 

Nhiều vườn cây nhiễm mặn cao khiến nhà vườn thất thu trong năm nay và dự kiến kéo dài đến năm 2021. Trong ảnh: Chủ vườn chôm chôm cưa nhánh, hạ độ cao,…cho cây sớm phục hồi.
Nhiều vườn cây nhiễm mặn cao khiến nhà vườn thất thu trong năm nay và dự kiến kéo dài đến năm 2021. Trong ảnh: Chủ vườn chôm chôm cưa nhánh, hạ độ cao,…cho cây sớm phục hồi.

Có trên 900ha vườn cây ăn trái ở Long Hồ bị thiệt hại, ước con số thiệt hại lên đến hơn 106 tỷ đồng. Trong đó, chôm chôm loại cây trồng chủ lực và là một thương hiệu nổi tiếng cả nước đang bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện các ngành chức năng và nhà vườn đang tích cực xử lý, phục hồi vườn cây, giảm thiểu thiệt hại.

Những vườn chôm chôm trống trơn

Trên tuyến QL57- đoạn xã Bình Hòa Phước (Long Hồ), chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều vườn chôm chôm bị cháy lá. Dù đã trải qua nhiều cơn mưa lớn nhưng vườn cây ở đây vẫn hiện hữu hình ảnh bị ảnh hưởng.

Trên đường nhựa về hướng UBND xã Bình Hòa Phước còn nhiều vựa củi của cây ăn trái, có người còn đang cưa bỏ nhánh chôm chôm của vườn nhà.

Chúng tôi ghé thăm vườn chôm chôm của ông Lê Văn Trí (ấp Bình Hòa 2, Bình Hòa Phước). Ông đang cắt nhánh chôm chôm gom lại chất đống để bán củi. Đôi mắt buồn hiu, ông Trí tâm sự: “Tiếc lắm chú ơi, cây hơn chục năm tuổi mà giờ nó chết thì phải đốn bỏ chứ sao giờ. Vườn trống trơn kiểu này 2 năm tới chắc khổ luôn, khỏi làm bông”.

Ông Trí cho biết, thu nhập gia đình phụ thuộc vào 3 công vườn này, mỗi năm 60 cây chôm chôm Java cho khoảng 7- 8 tấn trái, trừ hết các chi phí ông còn lời khoảng 40 triệu đồng để “lo cho con và xài lây lất qua năm sau”.

Tuy nhiên, năm nay vườn bị nhiễm mặn khiến ông phải đốn bỏ tới 10 gốc chôm chôm và tất cả các cây còn lại buộc phải cắt nhánh.

Ông buồn bã: “Giờ trắng tay. Chẳng những không có tiền mà tui còn phải vay của ngân hàng nông nghiệp để phục hồi vườn”. Hiện ông Trí trồng ổi, chanh “chữa cháy” trong vườn chôm chôm và xem tình hình “nếu êm thì có thể trồng chôm chôm lại, chứ giờ thấy oải quá rồi, tính trồng nhãn vì nhãn chịu mặn đỡ hơn chút”- ông Trí cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước- cho biết, tổng diện tích chôm chôm là 42ha thì bị nhiễm trên 70%.

Ông Nhân nhận định: “Bà con hội viên không chỉ thất thu trong năm nay mà khả năng năm tới 2021 sản lượng giảm sút, thậm chí bà con còn phải đầu tư nhiều hơn để hồi phục cho cây chôm chôm”.

Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước Nguyễn Văn Đẳng cho biết, theo ước tính, tổng diện tích chôm chôm toàn xã là 656ha. Bình thường vào thời điểm này là nhà vườn chuẩn bị phủ bạc, để xử lý ra hoa, cho trái bán nghịch vụ từ tháng 10 đến tháng 2 âl. Tuy nhiên, vườn cây hầu hết suy kiệt, ước thiệt hại khoảng 2/3 diện tích, với mức độ thiệt hại 30- 70%.

Theo thống kê trên địa bàn huyện Long Hồ có hơn 900ha vườn cây ăn trái bị thiệt hại do hạn mặn, ước con số thiệt hại lên đến hơn 106 tỷ đồng.

Trong đó chủ yếu là sầu riêng và chôm chôm. Nhiều vườn đã chết trắng, một số vườn cây chôm chôm, sầu riêng, bị thiệt hại trên 70%. Đây là lần đầu tiên Long Hồ bị xâm nhập mặn, mà nặng nhất là 2 xã Bình Hòa Phước và Đồng Phú.

Nỗ lực phục hồi

Vườn chôm chôm ảnh hưởng trong đợt xâm nhập mặn 2019- 2020 vừa qua.
Vườn chôm chôm ảnh hưởng trong đợt xâm nhập mặn 2019- 2020 vừa qua.

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước Nguyễn Văn Đẳng, trước đây cây chủ lực là nhãn da bò nhưng do bệnh chổi rồng nên bà con chuyển đổi qua chôm chôm.

Từ đó, chôm chôm trở thành sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Do đó, địa phương tuyên truyền, vận động bà khôi phục lại cây chôm chôm vốn dĩ rất phù hợp với vùng đất ở địa phương.

Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước Nguyễn Ngọc Nhân cũng cho biết, hiện tại các vườn chôm chôm bị ảnh hưởng đã được bà con tập trung rửa mặn, chăm sóc lại vườn cây. Cụ thể, nhà vườn cắt nhánh, chăm sóc, bón phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học.

Đồng thời, đưa canxi rửa mặn từ từ, dự tính khoảng 1- 2 năm cây mới tươi tốt trở lại bình thường như trước.

Để sớm phục hồi và giữ được thương hiệu chôm chôm, ông Nguyễn Ngọc Nhân đề xuất ngành hữu quan tiếp tục quan tâm và hỗ trợ kỹ thuật, giúp cho bà con sớm khôi phục vườn cây ăn trái.

Về phía ngân hàng, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, có gói hỗ trợ bà con vay để khôi phục lại vườn cây, yên tâm với sản xuất loại cây trồng chủ lực này.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- cho biết, địa phương đã phối hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn, tập huấn cho người dân về các kỹ thuật chăm sóc, phục hồi vườn cây ăn trái sau nhiễm mặn, giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh, tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân xây dựng hệ thống trữ nước, ngăn xâm nhập mặn trong thời gian tới.

Hiện địa phương tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn định hướng cây trồng trong thời gian tới, sẽ chọn những loại cây trồng có khả năng chịu mặn cao và phục hồi vườn cây trong thời gian sớm nhất, để bà con ổn định cuộc sống.

Bên cạnh, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch như xây một số đập ngăn mặn, đập dã chiến. Ngoài ra, đề xuất tỉnh và Trung ương đầu tư công trình lớn có tính bao quát cho khu vực nhất là 4 xã cù lao, đảm bảo cho vườn cây, nhất là vườn cây đặc sản.

Để phục hồi vườn cây ăn trái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT- Nguyễn Văn Liêm cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn về phòng chống hạn, mặn trên cây trồng, phát tài liệu hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái, quy trình trữ nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn và các giải pháp kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn.

Song song đó, ngành cũng phối hợp với các địa phương tiến hành thống kê, rà soát tình trạng thiệt hại để công khai cho người dân, sau đó sẽ tiến hành hỗ trợ theo các chính sách đã được quy định của Chính phủ.

Vĩnh Long: Ước thiệt hại gần 142,5 tỷ đồng so xâm nhập mặn

Báo cáo của Chi cục Thủy lợi Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT), trong 6 tháng qua, có gần 17.480ha cây trồng bị thiếu nước tưới trong thời gian ngắn, tập trung ở 5 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít và TX Bình Minh. Hơn 1.980ha cây trồng bị nhiễm mặn, tập trung ở 3 huyện Vũng Liêm, Mang Thít và Long Hồ; trong đó có 299,5ha lúa Hè Thu và Đông Xuân, 0,3ha cây màu vụ Đông Xuân, 1.684ha cây lâu năm và 1,7ha cây giống bị hư hỏng. Ước thiệt hại trên 142.485 triệu đồng, trong đó huyện Long Hồ bị nặng nhất (106,422 tỷ đồng), kế đến là Vũng Liêm (trên 35,9 tỷ đồng).

Bài, ảnh: TẤN ANH