Vượt đèn đỏ và đi ngược chiều- thiệt mình, hại người

Cập nhật, 18:19, Thứ Năm, 13/02/2020 (GMT+7)

Ai cũng biết vượt đèn đỏ và đi ngược chiều trên đường một chiều là hành vi vô cùng nguy hiểm, là đánh đổi tính mạng của bản thân và người khác. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường bắt gặp không ít trường hợp người tham gia giao thông vô tư vượt đèn đỏ và đi ngược chiều, thờ ơ đến mức vô cảm với người xung quanh.

Vượt đèn đỏ rẽ trái đi ngược chiều vào đường một chiều, ảnh chụp sáng 12/2/2020, tại nút giao đường Phó Cơ Điều- và đường mới (Trường ĐH Xây dựng Miền Tây).
Vượt đèn đỏ rẽ trái đi ngược chiều vào đường một chiều, ảnh chụp sáng 12/2/2020, tại nút giao đường Phó Cơ Điều- và đường mới (Trường ĐH Xây dựng Miền Tây).

Nhìn từ văn hóa giao thông

Đi một vòng TP Vĩnh Long, không khó bắt gặp cảnh người điều khiển phương tiện tham gia giao thông “vô tư” vượt đèn đỏ. Còn chuyện người điều khiển phương tiện xe 2- 3 bánh đi ngược chiều trên đường một chiều thì gần như… ra đường là gặp.

Buổi trưa, nắng chói chang, mọi người tranh thủ về nhà lo cơm trưa để còn kịp nghỉ ngơi, làm việc buổi chiều. Đến ngã tư giao lộ đường 3 Tháng 2 và Hưng Đạo Vương, đèn đỏ bật sáng, mọi người dừng lại phía sau vạch sơn. Chỉ một phụ nữ chạy mô tô tay ga bóng loáng dừng xe trước vạch, khi phương tiện hướng được lưu thông ùa qua, chị nhìn ngó hai bên vừa tăng ga cho xe chạy “êm ru”, những người xung quanh lắc đầu và buông một từ: “liều”!

Hành vi vượt đèn đỏ không chỉ đơn giản là không chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT) mà là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội. Khi đèn xanh bật sáng, các phương tiện được phép lưu thông đang tăng tốc, nên khi bất ngờ gặp chướng ngại vật bất ngờ lao tới, họ không kịp xử lý dẫn đến tai nạn giao thông là tất nhiên.

TP Vĩnh Long hiện có nhiều tuyến đường đôi, đường một chiều. Tất nhiên, trong khu vực đô thị có nhiều điểm giao cắt và các điểm ấy chỉ cách nhau một vài trăm thước, thay vì đi thuận chiều đến điểm giao cắt vòng qua sẽ thuận tiện và khá an toàn, nhưng nhiều người lại đi ngược chiều một đoạn để sang đường. Chỉ trong khoảng thời gian hơn 30 phút, trên đường Phó Cơ Điều (Phường 3), đoạn giữa 2 điểm đèn tín hiệu giao thông cách nhau chưa đầy 200m mà chúng tôi đếm được đến gần chục người đi ngược chiều.

Về hậu quả pháp lý

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính một số hành vi ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT, trong đó có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) và đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “cấm đi ngược chiều”. Cụ thể, nghị định quy định: phạt tiền từ 3.000.000- 5.000.000đ đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “cấm đi ngược chiều” bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2- 4 tháng (tăng mức phạt vi phạm hành chính hơn 3 lần so với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 600.000- 1.000.000đ đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; phạt tiền từ 1.000.000- 2.000.000đ đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “cấm đi ngược chiều” và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng (tăng 2 lần so với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP).

Đặc biệt, người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về ATGT đường bộ gây thiệt hại về tính mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác phải chịu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ gây thiệt hại; ngoài ra còn bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự.

Người tham gia giao thông tuân thủ Luật Giao thông là một điều tất yếu, bởi rằng hành động này không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn thể hiện ý thức tham gia giao thông một cách có văn hóa.

Luật Giao thông đường bộ quy định tại khoản 3, Điều 10:

Tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, quy định như sau:

Tín hiệu đèn xanh là được đi.

Tín hiệu đèn đỏ là cấm đi.

Tín hiệu đèn vàng phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đi quá vạch thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.


Bài, ảnh: NGUYÊN HẠNH