Nghệ nhân ưu tú Sơn Trong: Cống hiến trọn đời cho nhạc ngũ âm

Cập nhật, 21:02, Chủ Nhật, 21/02/2021 (GMT+7)

Từ niềm đam mê nghệ thuật, với 45 năm thực hành nhạc ngũ âm và có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, nghệ nhân Sơn Trong vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể”.

Nghệ nhân Sơn Trong (giữa) trong ngày được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Nghệ nhân Sơn Trong (giữa) trong ngày được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Khởi sự từ chữ “duyên”

NNƯT Sơn Trong (sinh năm 1956, ngụ ấp Trung Trạch, xã Trung Thành- Vũng Liêm) là một trong những nghệ nhân trình diễn nhạc ngũ âm tiêu biểu của đồng bào Khmer ở huyện Vũng Liêm. Ông xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, nhưng ngay thuở nhỏ đã bộc lộ niềm đam mê và năng khiếu chơi nhạc dân tộc.

Biết chúng tôi có ý định đến chơi nhà, tìm hiểu về nhạc cụ của đồng bào Khmer, nhất là nhạc ngũ âm, NNƯT Sơn Trong không giấu được niềm vui. Ông tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang nằm cặp QL53, cách thị trấn Vũng Liêm khoảng 1km hướng về Trà Vinh.

Uống vội tách trà nóng, NNƯT Sơn Trong bắt đầu kể câu chuyện về cơ duyên đến với nhạc cụ của đồng bào Khmer: “Cha mẹ tôi chỉ có 2 chị em tôi. Chị tôi lớn lên, có chồng và theo chồng sinh sống phương xa. Ở nhà, chỉ còn lại tôi với cha mẹ. Khoảng 10 tuổi, tôi được cậu Ba dạy kéo đờn gáo. Hồi đó, cậu Ba có đờn gáo, nhưng ở một mình, nên trưa trưa, buồn buồn tôi chạy ra nhà được cậu Ba chỉ kéo đờn, riết rồi mình cũng kéo được, chơi được”.

Buổi đầu học đờn chỉ như vậy. Năm 12 tuổi (tức năm diễn ra chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968), Sơn Trong khăn áo vào chùa Hạnh Phúc Tăng nơi quê nhà tu thân, học đạo nghĩa và học chữ Khmer. Đến năm giải phóng, thống nhất đất nước 1975, ông cũng kết thúc khóa tu học ở chùa. Sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng vì chữ “duyên” và niềm đam mê đối với nhạc cụ dân tộc, mà khởi xướng từ những thanh âm réo rắt, trầm bổng của tiếng đờn gáo được cậu Ba trao truyền từ thời thơ ấu đã thôi thúc ông đến với nhạc cụ dân tộc sau này.

Năm 1976, một lần nữa “cái duyên” đã đưa ông gặp nghệ nhân Thạch Kươi chuyên về nhạc ngũ âm ở ấp Đôn Hóa (xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành- Trà Vinh) lên Vũng Liêm dạy nhạc. Được sự chỉ bảo của nghệ nhân Thạch Kươi, ông bắt đầu thích và đam mê nhạc ngũ âm. Chỉ một năm sau, ông trở thành thành viên chính thức trong dàn nhạc ngũ âm của chùa Hạnh Phúc Tăng.

Không thỏa mãn với hiện tại, với kiến thức cơ bản có được từ thầy Thạch Kươi, nghệ nhân Sơn Trong thường xuyên trau dồi, học thêm kinh nghiệm từ bạn bè để nâng cao tay nghề; đồng thời “Tôi đi thực tế lên xuống nhiều lần Trà Vinh chơi với các anh em, do đội nhạc ở Trà Vinh thiếu tay, người ta mượn mình xuống chơi, coi như mình chạy “show” xuống dưới vừa đánh nhạc vừa học hỏi thêm”- NNƯT Sơn Trong chia sẻ. Nhờ vậy, NNƯT Sơn Trong sử dụng thành thạo hầu hết các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm và trở thành nghệ nhân có kỹ năng, tay nghề cao trong biểu diễn nhạc ngũ âm ở địa phương.

Đến nghệ nhân ưu tú

Năm 1990, NNƯT Sơn Trong được Sư cả Sơn Thới- trụ trì chùa Hạnh Phúc Tăng- bầu làm đội trưởng đội nhạc ngũ âm của chùa. Từ đó đến nay, bên cạnh phục vụ các nghi lễ diễn ra tại chùa hàng năm, NNƯT Sơn Trong còn tham gia biểu diễn nhạc ngũ âm nhân lễ hội ở các huyện có đồng bào Khmer sinh sống trong tỉnh Vĩnh Long và nhiều địa phương ở tỉnh Trà Vinh.

Mô tả về tri thức và kỹ năng nghề đang nắm giữ, NNƯT Sơn Trong cho biết, dàn nhạc ngũ âm có 5 chất liệu hợp lại cấu tạo nên âm thanh của dàn nhạc: đồng, sắt, gỗ, da và hơi, với nhiều loại nhạc khí như: trống lớn, trống nhỏ, đàn cồn, Rô nek thung, Rô nek ek (đàn thuyền)… hợp thành để khi trình diễn tạo ra những thanh âm hết sức độc đáo, không pha lẫn vào đâu được. Về ý nghĩa, nhạc ngũ âm là nhạc cụ truyền thống, là tài sản quý của đồng bào Khmer, được sử dụng trong các dịp lễ, tết diễn ra tại các chùa Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer như: lễ dâng y, lễ an vị tượng Phật, Tết Chol Chnam Thmay, Sel Dolta, Ok Om Bok...

Trong những dịp này, NNƯT Sơn Trong và các nghệ nhân khác trong đội nhạc thường sử dụng bài cúng Tổ để đánh nhạc đầu tiên. “Đây là bài nhạc quan trọng trong trình diễn nhạc ngũ âm. Tôi học, biết nhạc ngũ âm lâu rồi, nhưng chưa biết được bài này. Cũng nhờ khoảng năm 2005, Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức lớp bồi dưỡng nhạc ngũ âm và có mời các nghệ nhân ở Trà Vinh lên dạy, nên tôi mới học được bài nhạc này”- NNƯT Sơn Trong vui mừng kể lại.

Cũng theo NNƯT Sơn Trong, bài nhạc Tổ được các nghệ nhân sử dụng mở đầu buổi trình diễn nhạc ngũ âm trong các lễ nghi tôn giáo của người Khmer. Sau khi đánh bài nhạc Tổ, các nghệ nhân biểu diễn những bài bản chính khác, trong đó có thể đề cập đến một số bài như: Donh đáp, Ma-hô-ri, Kalom, Poc-sa-râu, Chhiên-hai, Sôi sinh, Tro-peng-pia, Kôr, Rô-nuocl- khe-răng.

Chú Thạch Rô-A (Vũng Liêm) tham gia thực hành nhạc ngũ âm gần 20 năm nhận xét: “NNƯT Sơn Trong được học bài bản, chuyên sâu về loại hình nhạc ngũ âm. Trong các anh em tham gia dàn nhạc, NNƯT Sơn Trong là “bén” nhất và là người “khai trương”, bắt nhịp, mở đầu cho các buổi biểu diễn. Dù đi biểu diễn bất cứ nơi đâu, anh em thương nhau lắm, NNƯT Sơn Trong rất quan tâm và đối xử với các thành viên đội nhạc như anh em trong một nhà”.

Nhằm bảo tồn và phát triển giá trị của nghệ thuật dân tộc, thời gian qua NNƯT Sơn Trong đã trao truyền kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm của mình cho 12 học viên. Do vậy, đội nhạc ngũ âm chùa Hạnh Phúc Tăng lúc nào cũng có lực lượng kế thừa, đáp ứng tốt nhu cầu thực hành nghi lễ tôn giáo tại chùa, cũng như nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cổ truyền của đồng bào Khmer trong và ngoài tỉnh.

Từ những đóng góp đối với di sản văn hóa dân tộc, năm 2019, nghệ nhân Sơn Trong vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tính đến nay, Vĩnh Long có 39 NNƯT, thì NNƯT Sơn Trong là 1 trong 2 nghệ nhân Khmer đạt được danh hiệu cao quý này. Đây không chỉ là vinh dự đối với NNƯT Sơn Trong mà còn là niềm tự hào của đồng bào Khmer Vĩnh Long.

Để xứng đáng với danh hiệu cao quý do Chủ tịch nước phong tặng, NNƯT Sơn Trong tâm niệm: “Tôi sẽ tiếp tục truyền nghề cho con, cháu, anh em, bạn bè có niềm đam mê và muốn học nhạc cụ này. Mặc dù sau này có gặp khó khăn, nhưng tôi quyết không bao giờ từ bỏ nhạc ngũ âm. Vì niềm đam mê nghệ thuật, tôi sẽ hết lòng và cố gắng hơn nữa để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc cho đến khi nào hết nổi thì thôi”.

Trong quá trình thực hành di sản, NNƯT Sơn Trong được tặng thưởng: Giấy khen và giải A toàn đoàn của Sở Văn hóa- Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) năm 1996; giải A tiết mục hòa tấu nhạc cụ tại huyện Vũng Liêm; bằng khen tích cực tham gia ngày hội Văn hóa, Thể thao Khmer Nam Bộ năm 2005 tại Trà Vinh.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT