Cù lao Mây đổi thay

Cập nhật, 06:50, Thứ Hai, 15/02/2021 (GMT+7)

Cù lao Mây được ví như một đoàn tàu neo đậu giữa dòng sông Hậu, bởi ngoài cù lao lớn dài hơn 20km, rộng từ 1- 2,5km, xung quanh còn bao bọc bởi nhiều cồn nhỏ như cồn Mái Dầm, cồn Tĩnh, cồn Ông Trưởng, cồn Cát,...

Học sinh ngày nay đi học bằng xe đạp bon bon đến trường.
Học sinh ngày nay đi học bằng xe đạp bon bon đến trường.

Cái tên cù lao Mây thân quen, nhưng đi tìm nguồn gốc địa danh ấy lại vô cùng khó. Có nhiều truyền thuyết về địa danh này, và dù truyền thuyết hay giả thuyết về vùng đất này ra sao, nhưng với tôi cái tên cù lao Mây quá đỗi thân thương và tự hào…

Những ngày đầu thống nhất đất nước

Cù lao Mây trước kia chỉ có xã Lục Sĩ Thành thuộc huyện Trà Ôn. Diện tích tự nhiên trên 4.000ha, trong đó đất sản xuất chiếm khoảng 2.500ha. Người dân sống giữa vùng sông nước nên việc giao thương với đất liền chỉ dựa vào phương tiện ghe, xuồng. Việc đi lại giữa các xóm, ấp hàng cây số chủ yếu là đi bộ, xa hơn thì đi xuồng. Đường bộ chỉ là đường mòn qua nhiều cầu khỉ đong đưa theo địa hình miền sông nước.

Xã Lục Sĩ Thành được Nhà nước tuyên dương danh hiệu vẻ vang “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào ngày 25/11/1976.

Cuộc sống chủ yếu của người dân nơi đây là tự cấp- tự túc và tự sản- tự tiêu. Do không chủ động được nước tưới tiêu, nên nhiều khu vực đất biền, lung chỉ trồng được 1 vụ lúa mùa rồi bỏ phế cỏ mọc cao ngất đầu, đến mùa cấy thì “dọn đất” vô cùng vất vả, sản xuất chỉ đáp ứng gạo ăn hàng ngày. Mùa nước nổi thì trong nhà nước ngập tới chân, còn ngoài sân thì nước tới… háng. Năng lượng thắp sáng chỉ là đèn dầu hay cây rọi mù u nhưng cũng rất hạn chế. Cứ chiều tối mới thắp đèn, đến khoảng 7- 8 giờ tối là đi ngủ, hoàn toàn không có phương tiện giải trí.

Số người mù chữ chiếm tỷ lệ cao. 10 năm sau giải phóng, đến năm 1985, với phong trào xóa dốt, UBND xã mở các lớp bình dân học vụ. Lúc ấy ở các ấp chủ yếu là giáo viên tiểu học, nhưng rất ít. Vì vậy, đến kỳ hè, phải huy động học sinh cấp 3 làm công tác hè bằng cách tham gia dạy bình dân học vụ hàng đêm. Lớp học đa số là những người lớn tuổi, từ thanh niên đến tuổi trung niên. Ban ngày, họ lo việc đồng áng, ban đêm học chữ. Dưới ánh sáng những ngọn đèn dầu leo lét, ai cũng chăm chú học đánh vần, viết chữ...

Vùng quê ngày ấy khó khăn vô kể! Cuộc sống giữa bốn bề sông nước, ít ai dám nghĩ nơi này có điện thắp sáng hay đường thênh thang xe chạy dập dìu...

Hướng đến xã nông thôn mới

Từ chủ trương xóa cầu khỉ, làm giao thông nông thôn của Đảng và Nhà nước, cuộc vận động đi vào chiều sâu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Chủ trương đưa điện về nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã hiện thực hóa ước mơ của người dân cù lao ở giữa vùng sông nước mênh mông. Những tuyến đường đan liên ấp dần hình thành, điện thắp sáng đến từng nhà. Việc đi lại dần dần thay bằng xe đạp rồi xe máy. Đèn dầu dần biến mất, thay thế bằng đèn điện sáng choang.

Thủy lợi khép kín đáp ứng chủ động tưới tiêu vườn cây ăn trái.
Thủy lợi khép kín đáp ứng chủ động tưới tiêu vườn cây ăn trái.

Đến phong trào xây dựng nông thôn mới, tuyến đường liên xã (Đường huyện 75) được hình thành, nối liền từ UBND xã Lục Sĩ Thành đến UBND xã Phú Thành. Bến khách ngang sông Trà Ôn- Lục Sĩ Thành cũng nâng cấp đáp ứng vận chuyển hàng hóa bằng xe tải trọng trên 5 tấn.

Hiện, cù lao Mây có đường đan liên xóm, liên ấp trong đó nhựa hóa đạt gần 50%; thủy lợi được khép kín phục vụ tưới tiêu và chống lũ 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trên 98% hộ có điện sử dụng thường xuyên an toàn; gần 80% hộ có nước sạch sử dụng; trường học đang được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia; toàn cù lao không còn nhà ở tạm bợ, trên 93% nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 2%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; lao động có việc làm đạt trên 90%...

Xã Lục Sĩ Thành có Hợp tác xã Bánh tráng Cù Lao Mây nổi tiếng với bánh tráng nem, bánh tráng nhúng và bánh tráng ngọt... được người tiêu dùng rất ưa chuộng và đã có mặt tại nhiều tỉnh- thành trên cả nước. Xã Phú Thành thì có Hợp tác xã Sản xuất chế biến thủy sản Phú Thành chuyên chăn nuôi và sản xuất khô cá lóc hoạt động cũng khá hiệu quả và đang hình thành hợp tác xã sản xuất trái cây sạch cho xuất khẩu.

Riêng xã Phú Thành đến nay đã đạt 18/19 tiêu chí nông thôn mới và đang chờ phúc tra công nhận tiêu chí giao thông để hoàn thành công nhận xã nông thôn mới.

Đến xã Phú Thành, chúng tôi được đồng chí Hồ Nhật Thế- Bí thư Đảng ủy xã- thông báo tin vui: Xã đã được chủ trương quy hoạch tuyến đường liên ấp Phú Thạnh- Phú Xuân nối với tuyến vào tuyến du lịch vườn với tổng chiều dài gần 5km, đây là điều đáng phấn khởi tạo điều kiện cho xã phát triển kinh tế. Hiện ấp Phú Xuân có 4 điểm du lịch vườn hoạt động hiệu quả, vào dịp cuối tuần đón khoảng 1.000 khách tham quan.

Bên cạnh đó, hợp tác xã sản xuất ăn trái đạt chuẩn VietGAP đang hình thành với 15 hộ trên 150ha, UBND xã đang hỗ trợ mặt bằng để hợp tác xã hoạt động hiệu quả và phát triển. Toàn xã có trên 1.200ha đất nông nghiệp, trong đó cây ăn trái chiếm hầu hết với trái cây đạt giá trị cao như nhãn, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... đặc biệt là bưởi Năm Roi.

Trước đây, Phú Thành là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, nhưng nay số hộ nghèo còn lại không đáng kể và trong thời gian ngắn nữa, xã sẽ quyết tâm xóa hộ nghèo 100%. Hy vọng, xã Phú Thành sẽ được công nhận xã nông thôn mới vào đầu năm 2021 và hướng đến năm 2023 đạt xã nông thôn mới nâng cao.

Đường bờ kinh ngày nào nay là lộ nhựa. Ước mơ bao đời của người dân đã thành hiện thực.
Đường bờ kinh ngày nào nay là lộ nhựa. Ước mơ bao đời của người dân đã thành hiện thực.

Tôi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất cù lao Mây và được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương từ sau ngày độc lập. Thành quả hôm nay là công sức, mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu ông cha ta đã vất vả đổ xuống, để vùng đất này mãi xanh và phát triển không ngừng… 

Năm 1994, cù lao Mây được chia thành 2 xã Phú Thành và Lục Sĩ Thành đều thuộc huyện Trà Ôn. Xã Lục Sĩ Thành ở phía Nam gồm các ấp: Tân Thạnh, Long Thạnh, Long Hưng, An Thạnh, Mỹ Thạnh A, Mỹ Thạnh B (phía hạ lưu sông Hậu); sau này chia thêm các ấp Tân An, Kinh Ngang, Kinh Đào. Xã Phú Thành ở phía Bắc gồm các ấp: Phú Sung, Phú Thạnh, Phú Xuân, Phú Lợi, Phú Long, Phú Hưng (phía thượng nguồn sông Hậu); sau chia thêm ấp Mái Dầm.

Bài, ảnh: HÙNG HẬU