Ký ức về một đêm xuân

Cập nhật, 21:29, Thứ Sáu, 12/02/2021 (GMT+7)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Không hiểu sao, cứ mỗi độ gió chướng mạnh thổi, mang theo cái thời tiết se se lạnh của mùa Đông, tôi lại nao nao nhớ lại những ngày năm hết tết đến trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này, lòng tôi vẫn không khác- vẫn nhớ về tết kháng chiến. Có khác chăng lần này tôi nhớ nhiều về hoạt động của Đoàn Văn công Ánh Hồng (Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh) vượt khó khăn phục vụ cán bộ chiến sĩ vùng giải phóng vào dịp Tết cổ truyền này của dân tộc.

Nhớ về những ngày ấy, tôi không sao quên được những trận địch tập trung càn quét; trong đó có cả việc chúng dùng máy bay ném bom chiến lược B52 hay còn gọi là “pháo đài bay”, ném bom rải thảm xuống nhiều vùng giải phóng tỉnh nhà, gây vô vàn tội ác đối với nhân dân. Ở nhiều vùng giải phóng, vừa rút quân càn quét buổi sáng thì buổi chiều chúng lại đổ quân tiếp tục đánh phá, hỗ trợ đóng thêm đồn bót, lấn chiếm vùng giải phóng.

Vậy mà với tinh thần “Tiếng hát lấn át tiếng bom”, anh chị em Đoàn Văn công Ánh Hồng vẫn luôn cất cao tiếng đàn, giọng hát, điệu múa phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân chẳng những ở vùng giải phóng mà có lúc còn ở cả tiền phương phục vụ bộ đội trước giờ ra trận.

Với tôi, một trong những hình ảnh hoạt động mà anh chị em Đoàn Văn công Ánh Hồng vẫn còn để lại sâu đậm trong lòng dù đã hơn 50 năm trôi qua đó là đêm phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng giải phóng giáp ranh 2 xã Vĩnh Xuân và Thuận Thới dịp Tết Kỷ Dậu 1969, khi vùng quê này vừa trải qua trận càn nhiều ngày của địch, còn khét lẹt mùi bom pháo.

Với địch, Trà Ôn và Vũng Liêm là vùng trọng điểm bình định lấn chiếm của địch thuộc tỉnh Trà Vinh lúc bấy giờ. Tôi nhớ về đêm ấy là bởi khi biết tin Đoàn Văn công Ánh Hồng về phục vụ bà con nơi đây thì kẻ cây người ván mang đến dựng lên một sân khấu trên mảnh ruộng nhỏ, bốn bên đều có những vườn cây che chắn.

Sân khấu hôm đó rộng khoảng hơn chục mét vuông, được ghép bởi những tấm ván ngựa mà không ít tấm đã mang những vết sẹo đạn bom hoặc bị cháy xém vì địch “đốt nhà tát dân” buộc dân phải rời vùng giải phóng ra vùng chúng kiểm soát.

Đáp lại tình yêu văn nghệ, tình cảm dành cho đoàn, ngay khi sân khấu bừng lên ánh sáng từ 2 chiếc đèn măng-xông, chị Kiều Chinh (Năm Chinh) thay mặt đoàn nói lời chân tình cám ơn sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ, bà con địa phương và giới thiệu những tiết mục đoàn sắp phục vụ. Sau lời chị Kiều Chinh là hàng trăm tiếng vỗ tay kéo dài.

Vậy là từ đó, các tiết mục của đoàn lần lượt được phục vụ; từ đơn ca, song ca, tốp ca đến ca cảnh cải lương và cứ mỗi tiết mục kết thúc là pháo tay lại bùng nổ.

Đặc biệt là chị Lệ Trinh, không biết vì nét đẹp, duyên dáng của chị hay giọng ca trời phú vừa vút cao vừa ngọt ngào; không tính những lần lên sân khấu tham gia các tiết mục song ca, tốp ca, đêm ấy diễn viên này đã hát liên tiếp 4 bài theo yêu cầu của bà con khán giả, trong tràn ngập tiếng pháo tay tán thưởng.

Còn 2 anh Mười Tước và Út Ai- đây là 2 tay ca nam chủ lực của đoàn (một về ca nhạc và một về ca cổ). Họ là anh em ruột lại là người con của quê hương Vĩnh Xuân.

Chẳng biết có phải vì vậy mà hôm đó cả 2 anh có đến 3- 4 lần quay trở lại sân khấu phục vụ. Đáng chú ý nhất là anh Út Ai với giọng bắt chước danh ca Văn Hường ở sân khấu cải lương ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

Anh đã thu hút rất nhiều bạn trẻ có mặt hôm đó nên dù đoàn kết thúc đêm biểu diễn vẫn có đến hàng chục anh em du kích và bạn trẻ trước đó  làm nhiệm vụ canh chừng để phát hiện máy bay địch, pháo binh địch bắn phá, nhằm bảo vệ cho đêm diễn được an toàn đã tìm đến anh yêu cầu anh hát tặng một bài vọng cổ mà chẳng cần có đờn.

Hôm đó, do có quá nhiều bài hát được bà con vùng quê ấy yêu cầu nên thời gian phục vụ của đoàn kéo dài, khi kết thúc thì trời đã gần sáng. Vì vậy, anh em trong đoàn chỉ còn thời gian thu dọn đồ đạc, nhạc cụ nhanh chóng rời khỏi địa diểm phục vụ để về cơ quan trước khi trời sáng.

Chứng kiến hình ảnh anh em trong đoàn không kịp ăn uống, nghỉ ngơi, nhiều bà con ở xung quanh điểm phục vụ đã đem quà vặt của gia đình dành cho những ngày tết mang đến trao tận tay cho anh em trong đoàn trong ấm áp nghĩa tình.

Với tôi, cũng như anh em trong Đoàn Văn công Ánh Hồng, không ngờ đêm phục vụ ấy là đêm sau cùng của đoàn với cán bộ, chiến sĩ và bà con vùng giải giải phóng 2 xã Vĩnh Xuân và Thuận Thới nói riêng huyện Trà Ôn và Vũng Liêm nói chung, vì sau đó theo chỉ đạo của trên 2 huyện này được tách về tỉnh Vĩnh Long.

TRỌNG LAI