Hương vị tết

Cập nhật, 14:02, Thứ Tư, 10/02/2021 (GMT+7)

 

Hoa mai bung đầy trước ngõ.
Hoa mai bung đầy trước ngõ.

Tết như là một “vũ điệu” của sắc màu và mùi vị. Thật ra thì ngày tháng nào trong năm chúng ta cũng đều ở bên cạnh thanh âm, sắc màu, hương vị, nhưng “vũ điệu” ấy được cảm nhận rõ ràng và cảm xúc nhất vào dịp tết. Nào hoa cỏ mùa xuân, rồi thơm nồng kẹo mứt. Xe cộ ngược xuôi, người người lũ lượt... Tất bật xôn xao để làm nốt công việc, dự định những ngày cuối năm và đó cũng là khâu chuẩn bị cho tết đến xuân về.

Năm nào có 30 thì từ ngày 29 tháng Chạp, mẹ tôi về nhà tổ tiên trước. Cứ vậy, nếu năm nào thiếu thì lùi lại một ngày để cúng kiếng ông bà rồi về để mâm cơm tất niên thêm tươm tất. Mâm cơm cuối năm của nhà tôi nhiều chục năm qua đều chuẩn bị như thế, trước khi về nội vào sáng mùng một.

Mâm cơm tất niên nhà tôi lúc nào cũng có thịt heo kho rệu; canh xương giò heo hầm củ cải trắng, củ cải đỏ, bông cải; gạo thơm cơm trắng; thêm món gỏi gà, lạp xưởng, có khi mì xào; giò chả, dưa cải, củ kiệu,...

Và đi kèm không thể thiếu các dĩa nước mắm trong và nước mắm làm để chấm. Có khi mẹ tôi sẽ sắp dĩa ngũ quả, nhưng nhỏ em gái út nhanh nhẹn, có hoa tay nên thường đảm trách khoản này, xong sẽ vào bếp cùng mẹ. Trong suy nghĩ của tôi, bữa cơm đoàn viên quen thuộc ấy mỗi năm được chuẩn bị kỳ công bằng cả tấm lòng yêu thương của mỗi người trong gia đình dành cho nhau như thế.

Một gia đình sắp mâm ngũ quả và cắm bình hoa chưng ngày tết. Các cô con gái đang ở dưới bếp nấu món ăn và dĩ nhiên có... nước mắm.
Một gia đình sắp mâm ngũ quả và cắm bình hoa chưng ngày tết. Các cô con gái đang ở dưới bếp nấu món ăn và dĩ nhiên có... nước mắm.

Với tôi, em gái làm nước mắm ngon, ngon hơn là nước mắm để chấm món xào hay ăn cháo với gỏi, vì ngoài khâu tỏi, ớt ra thì còn nêm nếm. Tôi thấy các cô dì lúc giỗ quảy trong họ hàng, rồi đứa em mình cũng xắt, băm ớt, tỏi, vắt chanh, có khi cho đường cát hoặc ngon hơn là nước dừa tươi, khuấy đều để hòa quyện rồi cho nước mắm ngon vào. Còn nước mắm chấm canh chua, canh xương hầm thì ai cũng quen: lấy dĩa nhỏ, chén nhỏ cho nước mắm vào là được.

Từ lúc nhà đầy đủ cha mẹ anh em hay khi các em lập gia đình, ngày cuối năm nhà tôi vẫn làm mâm cơm buổi sáng, khi nước lớn để cúng kiếng rước ông bà. Tôi đoan chắc vào ngày này, bao gia đình cũng chuẩn bị mâm cơm đoàn viên với bao thức món dậy mùi hương. Và biết đâu cô em gái út nếu chuẩn bị nước mắm chấm, thì có lẽ vẫn làm ngon như hồi đó.

 Mâm ngũ quả, bình hoa cúng tất niên. (cắt các chi tiết thừa: dĩa thức ăn) .
Mâm ngũ quả, bình hoa cúng tất niên. (cắt các chi tiết thừa: dĩa thức ăn) .

Đã nhiều năm qua, khoản làm nước mắm mẹ giao cho tôi. Ơn trời, tôi cũng biết món này và làm y như đứa em mình. Nhiều lúc nghĩ làm món này giống như làm bài văn vậy. Ngon hay không, vừa vị, ngọt hay mặn tùy vào gia giảm nêm nếm và khẩu vị của mỗi người. Nó như thứ cảm xúc mở, cứ để ngỏ đó để tự mỗi người dùng chấm với thức ăn và cảm nhận.

Có lần uống rượu đế với những chú bác tôi, rượu vào, các ông bày bao nhiêu câu chuyện, trong đó có chuyện... bếp núc. Mà chuyện gì, chuyện món ăn, nước mắm chấm. Có ông nói vui nếu thấy món ăn bày biện đẹp, thơm ngon, chấm với nước mắm làm cho ngon, có khi ổng muốn nhận cô nào đó khéo tay về làm dâu luôn đó!

Mà bao đời nay chuyện bếp núc dễ gì thiếu khoản nước mắm được. Nên biết đâu, chú bác nào đó nói khoái nước mắm ngon và pha chế cho thật ngon thì ổng mới ưng cái bụng cô con gái để làm dâu không chừng? Mà nếu cô gái nào nghe được chuyện trên, chắc cô ấy sẽ cười? Nhưng biết đâu cô ấy sẽ chăm chút hơn khi bắt tay vào món này và nên duyên nợ với anh nào đó trong tương lai và hạnh phúc.

Mâm cơm ngày cuối năm cúng kiếng đất đai, ông bà.
Mâm cơm ngày cuối năm cúng kiếng đất đai, ông bà.

Nếu có dông dài, thì cũng chỉ là mỗi năm đến tết tôi lại nhớ bữa cơm tất niên của tôi (cũng như bao người) cho tiếng “gia đình” thêm thiêng liêng đầm ấm. Rất nhiều người qua bao năm, mỗi năm lại quảy hành trang để thêm tuổi mới và dày thêm trải nghiệm. Ở đó hoa lá mùa xuân, thanh âm đất trời, bánh trái, kẹo mứt, bữa cơm tất niên quây quần bên gia đình đầy đủ món dậy mùi hương... đã chất chứa miên man phong vị tết.

Và mỗi dịp cuối năm, những thứ ấy “hẹn hò” nhau, làm nên “vũ điệu” cảm xúc trong mỗi người để tết đến xuân về là vậy!

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN