Đường đến giảng đường chông gai của cô gái trẻ

Cập nhật, 23:33, Thứ Sáu, 23/10/2020 (GMT+7)
Các cô ở Trường THCS- THPT Hòa Bình (bên phải) đến thăm gia đình Tuyết Ni.
Các cô ở Trường THCS- THPT Hòa Bình (bên phải) đến thăm gia đình Tuyết Ni.

Băng qua những con đường quanh co lầy lội, tôi đến thăm em- Võ Thị Tuyết Ni. Cô bé hiền lành thuộc hộ nghèo ở ấp Hiệp Hòa (xã Hòa Bình- Trà Ôn). Cha bỏ đi để lại Tuyết Ni với người mẹ mù lòa và cậu em trai nhỏ.

Ngôi nhà tình thương cho hộ nghèo đã xuống cấp, mẹ Tuyết Ni vẫn ngồi yên trên võng, cô không thấy ánh sáng. Còn cậu em trai nhỏ đã vào lớp 6 và Tuyết Ni thì không biết ra sao vì đường đến trường sao cứ đi càng xa!

Cô học trò vượt khó

Căn nhà tình thương được tu sửa từ căn nhà cũ, trước đó được hỗ trợ theo diện 167 khá tươm tất nhưng không đủ ghế cho 4 người ngồi, Tuyết Ni phải chạy qua hàng xóm mượn. Vật có giá trị nhất trong nhà là bộ bếp gas mới được một nhà hảo tâm cho “lâu lâu mới dám nấu vì sợ hết gas”, chiếc ti vi cũ đã hư, 1 cái giường gãy, 1 cái bàn cũ và 3 cái ghế đủ loại không lành lặn.

Không có ruộng vườn, trước đây vợ chồng cô Chính đi làm thuê nuôi con. Khi cô Chính mù lòa, chồng cô bỏ đi, cuộc sống gia đình bẩn chật nhờ vào cơm gạo của các em cô Chính và tình thương của hàng xóm chung quanh. Nhắc đến những chuyện buồn, cô Chính rưng rưng nước mắt: “Tôi bị bệnh rồi mù luôn từ hồi Tuyết Ni học lớp 2, được một năm chạy chữa, chồng tôi cũng đi làm rồi biệt tăm luôn”.

Muốn phụ giúp các con việc nhà, cô Chính mò mẫm tìm bếp nấu cơm, không ngờ vì vậy mà làm cháy nhà. Cô Chính nói: “Từ đó tôi không dám nấu cơm nữa”. Vậy là từ năm học lớp 2, Tuyết Ni đã học và biết làm việc nhà. Tuyết Ni cho biết: “Đến năm em học lớp 4, cha bỏ đi, mọi việc nấu nướng dọn dẹp trong nhà do em phụ trách”.

Tuyết Ni thương mẹ, thương em nhưng chỉ biết mò cua bắt ốc, hái rau, nhận làm các sản phẩm đan đát thủ công để có thu nhập và phụ hợ bữa cơm gia đình. “Mỗi tháng cũng được hơn 400 ngàn”- Tuyết Ni khoe rồi nói thêm- “Nhưng từ lớp 12 thì em không nhận làm hàng thủ công được nữa vì chương trình học nhiều”.

2 năm nay, cô Chính lại mắc bệnh tiểu đường, 2 chân teo tóp, hễ té là rất khó lành. Cô Chính rưng rưng: “Làm gánh nặng cho con, tôi buồn lắm. Biết con ham học mà ngày con đậu đại học, mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc, vì tiền đâu mà đi học đây?”

Ước mơ đến giảng đường

Gia đình Tuyết Ni thuộc hộ nghèo, không có đất sản xuất, cơm gạo nhiều khi không có đủ ăn. Đã nhiều lần Tuyết Ni định nghỉ học, nhưng vì thích đi học lắm nên cứ “tối muốn bỏ học thì sáng lại xách cặp đi”. Chuyện đi học không có “1 xu dính túi” hay “không có gì ăn sáng” là chuyện thường tình. Chị em Tuyết Ni cũng chưa từng biết đến học thêm.

May mắn em được nhận làm em nuôi của CLB Từ thiện Cà phê Suối Mơ (TP Vĩnh Long). Vậy là, mỗi năm học em được nhận trợ cấp 5 triệu đồng. Tuyết Ni nói: “Hơn 6 năm nay, gia đình em tiện tặn sống và được đi học chủ yếu nhờ số tiền này”.

Nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long ngành công nghệ kỹ thuật ô tô mình yêu thích, Tuyết Ni rơi nước mắt “vừa mừng vừa tủi” vì không biết tiền đâu đi học?! Một lần nữa CLB Từ thiện cà phê Suối Mơ cho Tuyết Ni tiền đóng học phí và tiền trọ tháng đầu nhưng còn tiền ăn và những chi phí sinh hoạt khác thì sau này phải tính sao?

Mọi sinh hoạt hàng ngày của cô Chính phải nhờ đến chị em Tuyết Ni chăm sóc. Ni trấn an mẹ: “Mẹ yên tâm ở nhà, con sẽ cố gắng học, mỗi cuối tuần sẽ về thăm mẹ”.
Mọi sinh hoạt hàng ngày của cô Chính phải nhờ đến chị em Tuyết Ni chăm sóc. Ni trấn an mẹ: “Mẹ yên tâm ở nhà, con sẽ cố gắng học, mỗi cuối tuần sẽ về thăm mẹ”.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn- Chủ nhiệm CLB Từ thiện Cà phê Suối Mơ (TP Vĩnh Long) cho biết: “Từ lúc biết hoàn cảnh của Tuyết Ni, chúng tôi vận động hỗ trợ em học tập và vận động sửa chữa nhà cửa cho em. Tuyết Ni hiền ngoan lắm. Khi mới nhận em nuôi, Ni chỉ học khá thôi nhưng em đã cố gắng rất nhiều, kết quả là lớp 12 em đạt được loại giỏi”.

Với điểm xét tuyển của tổ hợp là 23,5 thì Tuyết Ni thuộc tốp sinh viên có điểm xét tuyển khá cao trong trường. Nói về sự nỗ lực của mình, Tuyết Ni cười hiền khô: “Em chủ yếu học trên lớp, lắng nghe kỹ và làm bài mỗi lúc rảnh. Khi về nhà em phải chăm sóc mẹ và làm việc nhà”. Ông Nguyễn Văn Sáu- cậu Sáu của Tuyết Ni- cho biết: “Anh em tôi thương em và cháu lắm nhưng nhà ai cũng nghèo chỉ có thể góp gạo chứ không có tiền cho cháu được”.

Sau 2 tuần nhập học, Tuyết Ni sống nhờ tiền học bổng 1,5 triệu đồng của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội dành cho con người mù nghèo. Tuyết Ni rơi nước mắt: “Em tính vài tháng nữa ổn định rồi đi làm thêm, nhưng còn đủ thứ tiền học phí, sách vở chưa biết sắp tới tính sao nữa”.

Cô Lê Hồng Điệp- Giáo viên chủ nhiệm của Tuyết Ni- cho biết: Tuyết Ni là một học trò ngoan hiền, rất có trách nhiệm trong việc học và tham gia phong trào. Em chưa từng kể hoàn cảnh khó khăn của mình cho tôi, tôi chỉ biết em thuộc hộ nghèo. Gần đây, tôi biết được và rất bất ngờ.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN