Được ủy quyền quản lý tài sản không thể là chủ sở hữu đối với tài sản

Cập nhật, 08:45, Thứ Ba, 23/04/2019 (GMT+7)

Vì dì tôi ngày càng lớn tuổi nên dì phải đến nơi xa ở với con và căn nhà không ai ở. Vì muốn giữ lại căn nhà kỷ niệm, dì tôi không sang nhượng mà ủy quyền cho người quen dọn đến ở tại căn nhà, để trông giữ nhà giúp dì. Trường hợp này, nếu người được dì tôi ủy quyền trông nhà ở hoài không đi và họ đứng ra tranh chấp thì sao?

L .T. H. N. (TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Mặc dù Điều 236 Bộ luật Dân sự quy định: Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Tuy nhiên, Điều 187 Bộ luật Dân sự quy định quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản trường hợp chị nêu:

1. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.

2. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của bộ luật này.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ