100% lao động nông thôn được dạy nghề gắn với giải quyết việc làm

Cập nhật, 04:01, Thứ Bảy, 08/07/2017 (GMT+7)

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm, tỉnh triển khai thực hiện đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, tạo việc làm cho 100% lao động nông thôn (LĐNT).

Nhiều lao động sau khi học nghề may công nghiệp tìm được việc làm ổn định.
Nhiều lao động sau khi học nghề may công nghiệp tìm được việc làm ổn định.

Theo đó, với mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, tỉnh đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, hợp tác xã; các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các doanh nghiệp để tổ chức các lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tạo việc làm cho LĐNT đạt hiệu quả cao.

Nhờ vậy, đơn đặt hàng gồm nhiều hình thức khác nhau như: đào tạo nghề phục vụ xuất khẩu lao động, đào tạo nghề gắn với giới thiệu LĐ vào làm việc tại doanh nghiệp và đào tạo nghề để cung cấp sản phẩm cho người LĐ gia công, tạo việc làm tại địa phương,...

Ngoài ra, mô hình dạy nghề trong doanh nghiệp được phát huy, chủ yếu đào tạo nghề may công nghiệp, may giày da, hàn,…

Trong quá trình tổ chức đào tạo nghề, LĐNT không chỉ được hỗ trợ từ chính sách mà còn được các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng LĐ hỗ trợ về lương học nghề, lương sản phẩm và một số các khoản chi phí khác.

Sau khi tốt nghiệp khóa học nghề, người LĐ sẽ được ký kết hợp đồng LĐ chính thức với doanh nghiệp. Đặc biệt, mô hình đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp được các cấp, các ngành đánh giá rất cao về hiệu quả giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho LĐNT.

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 37.800 LĐNT học nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó đã thu hút trên 31.870 LĐ nữ làm việc tại địa phương (chiếm tỷ lệ 84,4%). Số LĐNT làm nghề tiểu thủ công nghiệp có việc làm ổn định và thường xuyên chiếm tỷ lệ trên 86,6%.

Tin, ảnh: THÚY QUYÊN