Nhà nông tìm hiểu

Phòng, chống bệnh lở mồm long móng cho vật nuôi

Cập nhật, 05:13, Thứ Ba, 08/01/2019 (GMT+7)

Bạn Nhà nông cho tôi hỏi gia súc có thể hồi phục sau khi mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM) hay không? Hiện có thuốc điều trị bệnh này chưa và cách phòng chống ra sao?

Tạ Hoàng Vinh (Trung Hiếu- Vũng Liêm)

Anh Vinh mến! Bệnh LMLM là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Động vật mắc bệnh LMLM là các loài động vật có móng guốc chẵn như: trâu, bò, heo, dê,...

Để phòng bệnh, anh cần thực hiện tốt vệ sinh thú y, kiểm dịch nghiêm ngặt khi xuất nhập gia súc, thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực có gia súc nghi mắc bệnh, bị ốm, chết. Bên cạnh, phòng bệnh bằng vắc xin, tiêm phòng bệnh cho gia súc ở những vùng đã từng xảy ra dịch LMLM.

Tiêm phòng vắc xin LMLM cho trâu, bò, heo, dê lần 1 cho gia súc từ 2 tuần tuổi trở lên, sau 28 ngày tiêm nhắc lại lần 2, sau đó, cứ 6 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.

Để chống dịch, anh phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy gia súc có hiện tượng bệnh, sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, có bọt, có mụn nước ở vùng miệng, quanh móng chân hoặc chết bất thường phải tiến hành cách ly ngay những con bệnh ra khu vực riêng; không được chăn thả, không bán chạy, không giết mổ, vứt xác gia súc chết và chất thải của chúng ra môi trường.

Anh cần báo ngay cho thú y hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp.

Thực hiện tiêu hủy những con chết, những con bệnh nặng không có khả năng hồi phục theo đúng quy trình kỹ thuật có sự giám sát của thú y, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. Tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch, tiêm từ ngoài vào trong.

Bệnh LMLM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chủ yếu là nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho con vật bằng cách tăng cường công tác chăm sóc nuôi dưỡng như: cho ăn thức ăn mềm dễ tiêu, bổ sung vitamin, điện giải, các thuốc trợ sức, trợ lực; vệ sinh môi trường, luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ.

BẠN NHÀ NÔNG