Câu chuyện nông thôn

Nông dân cần phải giữ đất nông nghiệp

Cập nhật, 17:54, Thứ Tư, 31/03/2021 (GMT+7)

(VLO) Câu chuyện thứ nhất, ông bạn nông dân người dân tộc Khmer ở tỉnh đầu nguồn kể rằng, nếu chính quyền địa phương không có chủ trương không để đồng bào dân tộc thiểu số chuyển nhượng đất nông nghiệp dưới mọi hình thức thì cuộc đời mình, gia đình cháu con giờ đây không biết ra sao.

Nhờ vậy mà ở giai đoạn khó khăn quá gia đình vẫn giữ đất, sau đó canh tác 2 công ruộng lấy gạo ăn thủ chắc không đói, rồi 3 công trồng cỏ nuôi bò dần dần mở rộng nuôi bò vỗ béo bán lại. Đất rộng mở mang đàn bò lên đến trên 50 con và rồi trở thành tỷ phú với mấy công ruộng và nuôi bò.

Câu chuyện thứ hai, thời sự là trong thời gian dịch COVID-19, đã có rất nhiều người mất việc ở các khu công nghiệp, các đô thị, họ trở về nông thôn khi vẫn còn đôi ba công đất thì canh tác vẫn bảo đảm có cái ăn. Không có ruộng là nguy.

Ở nông thôn, nếu bán đất nông nghiệp cầm trong tay vài trăm triệu không khéo loay hoay vài năm rồi lại trắng tay.

Nền nông nghiệp sản xuất nhỏ với nông dân sở hữu trong tay từ vài chục công đất đổ lại vẫn là chủ yếu ở nước mình.

Nghề nông vẫn là đại đa số, giữ được đất nông nghiệp là còn giữ được một nghề chắc tay. Khi việc làm nông thôn phát triển tốt, nông dân vẫn có thể vừa làm nông vừa làm công nhân được.

Câu chuyện bỏ hạn điền rất cần sự nghiên cứu một cách thận trọng, khoa học có sự điều tra thống kê xã hội học, kinh tế học… để đánh giá chính xác và có những điều kiện đặc biệt.

Thử nghĩ một cuộc thu gom đất nông nghiệp cứ 1.000 mẫu sẽ có bao nhiêu hộ khẩu với bao nhiêu nhân khẩu nông thôn mất nghề nông. Cầm số tiền trong tay tiêu xài không hợp lý rồi lại trắng tay. Gánh nặng xã hội là rất lớn. Cái lợi là các nhà giàu, các công ty thu gom đất.

Diễn ra trước mắt Hai Lúa tui đây, những dự án thu gom hàng trăm mẫu đất nông nghiệp rồi vài năm lại xin chuyển đổi mục đích kinh doanh, thử hỏi sẽ có bao nhiêu nông dân bán đất được việc làm ở các dự án đó.

Ngay cả câu chuyện thuê bao dài hạn 10 năm hàng trăm mẫu đất ở địa phương Hai Lúa tui, chỉ mới qua 3 năm đã thấy nhiều nông dân không còn tiền mà trước mắt chẳng còn đất trong thời gian dài.

Làm ăn lớn là một hướng đi tất yếu, nhưng không thể để hướng đi này ảnh hưởng đến đại đa số đời sống, việc làm người dân nông thôn.

Ở các nước phát triển hơn ta, cùng với những công ty, tập đoàn sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, thì chính sách lớn dành cho đại đa số các hộ sản xuất nhỏ, các hợp tác xã vừa vẫn đặc biệt quan trọng. Làm nhỏ liên kết lại nó khác với một đơn vị thu gom làm ăn lớn. Tính bền vững, tính xã hội học nó nằm ở chỗ đó.

Một vấn đề rất lớn đòi hỏi một tầm hiểu biết sâu rộng, vĩ mô, Hai Lúa tui chỉ nói theo những điều thực tế trước mắt, nhưng nó đã được kiểm chứng cụ thể. Cá nhân Hai Lúa tui nhận thấy chính sách hạn điền cho đến giờ này vẫn cần thiết, phù hợp với tình hình xã hội nước ta và nó còn bao hàm tính nhân đạo, nhân văn.

Hailua@.com