Khởi nghiệp nông nghiệp- chọn hướng để thành công

Kỳ 3: Bắt nhịp, đón đầu xu hướng làm nông mới

Cập nhật, 06:31, Thứ Bảy, 03/08/2019 (GMT+7)

Quyết gắn bó với nông nghiệp, những người khởi nghiệp cẩn trọng “bắt mạch thị trường” để chọn lối đi, nhiều người trong số đó chọn bắt đầu với nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ bắt nhịp, đón đầu xu hướng làm nông mới nên những dự án của họ chẳng những đã mang lại lợi nhuận, triển vọng cho chủ nhân mà còn góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển- ngày càng phù hợp xu thế hội nhập.

Anh Lộc luôn quan tâm cập nhật kiến thức, kỹ thuật chăm sóc tạo giống chất lượng cho khu vườn.
Anh Lộc luôn quan tâm cập nhật kiến thức, kỹ thuật chăm sóc tạo giống chất lượng cho khu vườn.

“Khu vườn công nghệ cao Đà Lạt” ở Vĩnh Long

Nhận bằng kỹ sư ngành công nghệ thực phẩm, Huỳnh Phú Lộc (sinh năm 1990, ngụ Phường 5- TP Vĩnh Long) vào làm việc cho các công ty thủy sản rồi chuyển sang làm kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh.

Nghe hỏi về cơ duyên đến với nông nghiệp công nghệ cao, Lộc cho hay, từ thời đi học anh đã mơ về “một khu vườn xanh mướt, không sử dụng phân, thuốc hóa học” cộng với một lần đi thực tập ở Đà Lạt (năm 2010) thấy mô hình xây nhà lưới hiện đại, cho sản phẩm sạch “rất hay” nhưng lúc đó chưa đủ vốn nên chưa dám “nhảy vô”.

Đến khi đi làm, trong khoảng thời gian làm kinh doanh, thiết kế lắp đặt các sản phẩm nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, anh nhận thấy xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch, an toàn của người dân rất lớn, nên quyết định “đã đến lúc khởi nghiệp và tự mình làm chủ”.

Tháng 10/2017, mô hình công nghệ cao đầu tiên “mọc” lên ven sông Cổ Chiên (thuộc Phường 5- TP Vĩnh Long) lấy tên là Cơ sở kinh doanh Nam Long, do anh Lộc và người bạn hợp tác “cùng chí hướng” tên Nguyễn Văn Pháp- kỹ sư công nghệ sinh học (quê Bình Thuận).

Nhờ kinh nghiệm thiết kế, lắp đặt nhà lưới, anh đã tự mua vật liệu thi công nhà lưới và thiết kế giúp giảm 50% chi phí. “Khu vườn trong nhà màn” có diện tích 2.000m2 với vốn đầu tư 600 triệu đồng là “quá sức nên tôi phải nhờ người thân quen trợ giúp”- anh Lộc nói.

Chỉ cần thông qua một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển từ xa, anh Lộc có thể biết được “tình hình” vườn của mình.

Từ các thiết bị cảm biến được đặt trong vườn, các thông tin về nhiệt độ, môi trường, độ ẩm, ánh sáng sẽ được gửi về điện thoại thông qua một chương trình ứng dụng. Cũng thông qua đó, anh sẽ kích hoạt hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân từ xa mà không cần có mặt tại khu sản xuất.

Khởi đầu, anh Lộc trồng xà lách nhưng xà lách dễ bị hư, giập khi vận chuyển. Vì vậy, anh nghiên cứu kỹ thuật trồng cà chua và một số loại rau. Trong đó, xác định chủ yếu chuyên canh cà chua (các giống cà chua cherry, socola, beef…).

Để tránh rủi ro, anh Lộc dành 1.000 m² trồng 2.500 cây cà chua, sản xuất 1 vụ/năm. Song song đó, tiếp tục thử nghiệm trồng thêm dưa lưới. Vụ đầu tiên, thử nghiệm thành công trên 500m².

Vụ thứ hai, anh Lộc mạnh dạn chuyển đổi tất cả diện tích sang trồng dưa lưới để cách ly mầm bệnh của cà chua. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, vụ đầu tiên chỉ giúp anh thu hồi vốn, từ vụ thứ 2 trở đi mới bắt đầu có được lợi nhuận.

Có thể nhận thấy các nông sản anh Lộc đang trồng đều là nông sản thế mạnh của Đà Lạt. Tuy nhiên, anh cho hay sản phẩm của vườn “không đủ cung cấp ra thị trường vì giá cả thì tương đương nhưng không tốn phí vận chuyển, hao hụt do đường xa”…

Hiện anh Lộc có 3 nhà lưới chuyên sản xuất các loại rau quả sạch, an toàn, theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.

Các sản phẩm chủ yếu như cà chua Hà Lan, cà chua đen Nga, dưa lưới Úc... được các siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch ở ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh thu mua với giá cả ổn định. Cụ thể, cà chua giá 35.000- 40.000 đ/kg, doanh thu khoảng 350 triệu đồng/năm.

Đối với dưa lưới, chi phí bỏ ra đầu tư đầu mỗi vụ trên 70 triệu đồng, bình quân lời khoảng 200 triệu đồng/vụ, trồng được 4 - 5 vụ/năm (tính cả thời gian xử lý, cải tạo môi trường, cách ly mầm bệnh).

“Bắt mạch” nông nghiệp công nghệ cao

Anh Huỳnh Phú Lộc bên khu vườn công nghệ cao cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Anh Huỳnh Phú Lộc bên khu vườn công nghệ cao cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo anh Lộc, nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn ngày càng cao. Do đó, nông dân cần thay đổi dần cách làm nông truyền thống để bắt nhịp, đón đầu xu hướng làm nông mới. Cũng theo anh, “dư địa để phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở miền Tây còn rất nhiều, rất triển vọng”.

Để thành công, người khởi nghiệp công nghệ cao cần liên kết và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các ngành chức năng về định hướng sản xuất, xây dựng thương hiệu, đảm bảo được đầu ra, vốn vay ưu đãi…

Trong nhiều năm qua, chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao được Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương rất chú trọng và tạo nhiều điều kiện thuận lợi.

Theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chủ trương rất tốt, phù hợp với xu thế phát triển trong hội nhập và là hướng đi không thể thiếu nếu muốn quốc gia hùng mạnh và đời sống ấm no cho người dân.

Tuy nhiên, làm nông nghiệp công nghệ cao cần phải có phương pháp và xây dựng được mối quan hệ đối tác lành mạnh giữa các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội; trong đó, người dân là khu vực sản xuất vệ tinh thông qua các đại diện chủ yếu là hợp tác xã.

Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhiều nông dân đã chuyển đổi đất lúa lên vườn, đang là hướng đi đầy hứa hẹn. So với trước đây, những nông dân trẻ ngày nay có phần nổi trội hơn vì thường hay cập nhật công nghệ, muốn mở đầu xu hướng và đặc biệt là muốn làm giàu từ nghề của ông cha.

Lộc cho rằng, những nông dân trí thức sẽ góp phần vực dậy nền kinh tế nông nghiệp. Theo đó, bên cạnh việc trang bị cho mình tri thức, nhà nông cũng cần phải có đam mê và là người tiên phong chứ không chỉ trông chờ vào nhà nước.

Phải mất đến tận 7 năm chuẩn bị, ước mơ khởi nghiệp của anh Lộc mới thành hiện thực. Hiện anh đang tiếp tục mở rộng làm Farm (nông trại) ngay “gần các chuỗi siêu thị” thuộc Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), TP Long Xuyên (An Giang) và một số tỉnh miền Tây với nhiều hình thức kinh doanh và có thể mở cửa để khách đến tham quan.

Mong muốn của anh Lộc là mở rộng càng nhiều càng tốt để khách biết nhiều đến mô hình này, nhờ vậy việc mua bán, vận chuyển cũng dễ dàng hơn.

Mục tiêu là hướng tới tự xuất khẩu nên cần mở rộng thêm ở nhiều tỉnh và tìm nhiều nhà đầu tư vì vốn đầu tư cao (khoảng 300 triệu đồng/1.000m2).

Để có những bước đi vững chắc trong tương lai, anh Lộc luôn học hỏi kỹ thuật, tạo mối quan hệ tốt với nông dân và các công ty giống, từ đó có thể học các kiến thức, kỹ thuật mới, giúp sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Xóa giải cứu nông sản bằng... chuẩn chất lượng

Theo anh Huỳnh Phú Lộc, muốn xóa bỏ tình trạng “giải cứu nông sản”, trước tiên người sản xuất phải đảm bảo sản phẩm có chất lượng. Hiện, nhu cầu về nông sản sạch của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu rất cao, vấn đề là mình phải đáp ứng được nhu cầu này và phải tự đến để “gõ cửa”…

Kỳ cuối: Hiện thực hóa giấc mơ cùng nông dân làm giàu

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI