Góc nhìn

Nước mắm truyền thống có thể chịu "áp lực" mới

Cập nhật, 09:57, Thứ Ba, 05/03/2019 (GMT+7)

Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến- Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp- PTNT) soạn thảo đã vấp phải ý kiến phản đối từ các hội nước mắm truyền thống, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Cụ thể, trong 50 nội dung dự thảo, có nhiều quy định không phù hợp với thực tế. Ví dụ, như yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, trong khi nguyên liệu làm nước mắm là cá biển chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi). Quy định này buộc nhà sản xuất phải tốn tiền xét nghiệm các chỉ tiêu không có nguy cơ tồn dư.

Dự thảo cũng quy định nhà sản xuất phải loại bỏ cá nguyên liệu bị phân hủy mạnh, trong khi làm nước mắm sử dụng cá không tươi là bình thường (trừ Phú Quốc ướp muối ngay trên tàu).

Giám đốc một hãng nước mắm cho rằng, nếu áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn như dự thảo sẽ có thể triệt tiêu các làng nghề nước mắm lâu đời. Các cơ quan quản lý đã “đồng hóa” nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp kiến nghị tạm khoan ban hành tiêu chuẩn này. 

Ở thời điểm hiện tại, vẫn rất khó và còn quá sớm để có thể khẳng định được nước mắm truyền thống có bị “xóa sổ” bởi những quy định mới hay yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật… có đẩy doanh nghiệp “rơi vào bước đường cùng” hay không, nhưng nếu dự thảo này ban hành, gánh nặng chi phí tăng là khó tránh khỏi.

Còn nhớ năm 2016, thông tin thất thiệt nước mắm truyền thống nhiễm Asen vượt mức cho phép đã gây khốn đốn cho không ít doanh nghiệp, dù cuối cùng cũng được giải oan.

Nước mắm truyền thống lấy lại được niềm tin nơi người tiêu dùng bởi phẩm chất riêng, thứ gia vị tinh túy chỉ có muối mặn và con cá tươi ròng được đánh lên từ biển, qua phơi nắng phơi sương mà cho ra từng giọt nước mắm- như cái ân tình của đất trời.

Vì thế, mong rằng trước khi quyết định ban hành, cơ quan quản lý cần có những khảo sát thực tiễn, đánh giá chính xác để gìn giữ thứ “gia bảo” mà ông cha để lại cho con cháu từ xưa đến hôm nay và mãi mãi về sau.

HOÀNG MINH