Nâng cao chất lượng để lúa thoáng đầu ra

Cập nhật, 05:32, Thứ Ba, 05/03/2019 (GMT+7)

Vừa qua, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long) tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa vụ Đông Xuân. Tại đây, nhiều nông dân đã bày tỏ ý kiến về việc đưa vào sản xuất những giống lúa triển vọng cũng như tìm giải pháp hiệu quả để nâng cao năng suất, tìm kiếm thị trường cho lúa gạo.

Thông qua khảo nghiệm các giống lúa triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống lúa, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và xuất khẩu.
Thông qua khảo nghiệm các giống lúa triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống lúa, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và xuất khẩu.

Ở vụ Đông Xuân này, Trại Lúa giống khảo nghiệm 16 giống của Viện Lúa ĐBSCL, 28 giống thuộc bộ giống trình diễn do trại lúa giống tuyển chọn và sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng OM5451, OM6976.

Kết quả khảo nghiệm cho thấy, một số giống có đặc tính nông học phù hợp với nhu cầu sản xuất của tỉnh như bộ khảo nghiệm sản xuất của Viện Lúa ĐBSCL: các giống nổi trội là OM3673, OM22, OM429, OM359 sinh trưởng tốt, ít nhiễm sâu bệnh, không thấy đạo ôn xuất hiện, số chồi trung bình cao 9- 11 chồi, cứng cây.

Bộ giống của trại lúa giống tuyển chọn: LH8, LH9, LH14, LV6, OM344, GR18, NV16, OM9582 dạng hình đẹp, nở chồi khỏe, kháng sâu bệnh tốt. Riêng giống LM7 xuất hiện đạo ôn và cháy bìa lá vi khuẩn.

Theo đánh giá của Trại Lúa giống, các giống trên nổi bật với dạng hình đẹp, cứng cây, kháng sâu bệnh tốt, có tiềm năng năng suất cao cần theo dõi, chọn lọc tiếp tục khảo nghiệm ở các vụ tiếp theo để làm cơ sở cho việc công bố sản xuất thử và công nhận giống chính thức.

Đáng chú ý, giai đoạn lúa 40- 45 ngày sau khi cấy hầu hết các giống đều có bọ gai tấn công. Trước đây, loại sâu hại xuất hiện trên cây dừa, gần đây mới xuất hiện nhiều trên cây lúa và có nguy cơ phát triển thành dịch, rất dễ nhầm lẫn với sâu cuốn lá.

Giai đoạn lúa 50 ngày sau khi cấy thì bọ gai tấn công hầu hết các giống lúa với mật số khá cao, trung bình từ 5- 7 con/bụi. Đến lúa vào giai đoạn 60 ngày sau khi cấy thì bọ gai mới hết gây hại trên các giống.

Một thông tin vui tại hội thảo là giống lúa LH8 chuẩn bị được công nhận giống lúa cấp quốc gia. Ông Phạm Văn Long (ở Long Hồ) là tác giả của giống lúa LH8 cho biết, giống này có chung ưu điểm là dạng hình đẹp, gạo trong, mềm cơm, cơm bóng, hạt dài. Thời gian sinh trưởng từ 85- 90 ngày.

So với giống bà con sử dụng là IR50404 thì như nhau nhưng giống này ăn ngon hơn và bán cho thương lái cao hơn từ 500- 700 đ/kg nên được nhiều người lựa chọn sản xuất.

Có ý kiến cho rằng các giống LH8, LH9 yếu cây, hay đổ ngã, ông Phạm Văn Long cho rằng khắc phục điều này không khó, theo đó nông dân chỉ cần giảm bón đạm, tăng kali, xiết nước sau khi bón phân đợt 2 để đất “nứt chân chim”, làm dẻ đất thì lúa không bị đổ ngã nữa.

Đặc biệt giống lúa này không “kháng lái” (theo kiểu nói vui vủa nông dân khi lúa bị thương lái chê, không mua) nên người dân sản xuất ra sẽ tiêu thụ được tốt.

Ông Võ Văn Vũ- Tổ hợp tác sản xuất lúa giống ấp An Lạc Tây (Trung Hiếu- Vũng Liêm) bày tỏ mối quan tâm ở đầu ra sản phẩm khi giống lúa triển vọng được đưa vào sản xuất đại trà. Tình trạng “kháng lái” vẫn thường xuyên xảy ra ở một số giống lúa mỗi khi thu hoạch rộ.

Giải đáp thông tin giống lúa OM5451 năm nay trổ sớm hơn mọi năm, TS. Đoàn Mạnh Tường- Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (Viện Lúa ĐBSCL)- cho rằng có thể do yếu tố thời tiết nên giống OM5451 trổ sớm ở một số địa phương, bởi đây không phải đặc tính giống. Giống này vốn đã ngắn ngày, nay lại trổ sớm nên năng suất sẽ giảm là điều khó tránh khỏi.

Còn theo ThS. Nguyễn Hoàng Khải- Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (ĐH Cần Thơ), năng suất lúa năm nay giảm là ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, vòng đời của cây lúa ngắn lại nên năng suất giảm.

Song song đó, biến đổi khí hậu cũng làm cho vòng đời sinh vật gây hại ngắn khiến cho tần suất gây hại tăng lên.

Chưa kể, năng suất lúa hiện nay có thể nói đã chạm trần, để nâng cao hiệu quả sản xuất phải giảm chi phí sản xuất lại như giảm giống, phân thuốc, đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường.

Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, OM5451 năng suất giảm, giá cũng giảm nên cần bổ sung giống có năng suất tương đương để đa dạng sản phẩm, giá tốt hơn. Riêng lúa thảo dược cần phải đề xuất tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, qua đó tìm giải pháp nâng cao giá trị gia tăng gạo thảo dược thông qua sản xuất hữu cơ, chế biến.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa thảo dược, bà Lê Thị Nga ở ấp Kinh (xã Trung Ngãi-Vũng Liêm) cho biết sản xuất gần 2ha đất ruộng đạt giá trị sản xuất lúa thảo dược gấp 10 lần lúa thông thường. Ngoài việc cung cấp gạo thảo dược, bà Nga còn sản xuất trà gạo lứt từ gạo thảo dược.

Theo bà Nga, lúa thảo dược sản xuất theo hướng hữu cơ, không được sử dụng hóa chất cũng như thuốc bảo vệ thực vật.

Nói về hướng phát triển gạo thảo dược, bà cho biết thời gian tới sẽ nhân rộng diện tích sản xuất lên 4ha để đáp ứng nhu cầu thị trường và các đối tác tin cậy với tiêu chí an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, thời gian qua, tình trạng lúa Đông Xuân giảm năng suất, rớt giá cũng là nỗi lo của ngành nông nghiệp, tuy nhiên việc ngành chuyên môn đưa ra khuyến cáo sản xuất một loại giống cụ thể nào là chuyện không dễ.

Do đó, khuyến cáo chung vẫn là sản xuất vùng lúa chất lượng cao, thích nghi điều kiện canh tác, ngoại trừ những hợp đồng riêng cho việc sản xuất giống lúa chất lượng thấp.

Ngoài ra, nhà nông cần quan tâm yếu tố kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm thích ứng với điều kiện hạn, mặn, mưa bão, phòng trừ dịch bệnh, kể cả những loại dịch bệnh thứ yếu.

Kết quả bình chọn giống lúa vụ Đông Xuân: giống OM 9582 được nhiều nông dân đánh giá cao, kế đến là các giống OM5451, LH8, LH9, OM6932, OM344, OM9577. Trong đó, giống OM9577 có khả năng chịu mặn.

 Bài, ảnh: THÀNH LONG