Xem smartphone quá nhiều: coi chừng bị bệnh mắt chéo!

Cập nhật, 10:03, Thứ Hai, 02/12/2019 (GMT+7)

Từng được coi là một trong những bệnh về mắt hiếm gặp ở thanh thiếu niên, nhưng gần đây, bệnh mắt chéo cấp (acute esotropia) đã phổ biến đáng lo ngại. Giới bác sĩ nhãn khoa cho rằng nguyên nhân là do nhìn vào điện thoại quá nhiều.

Hai năm trước, một nữ sinh trung học 16 tuổi tại tỉnh Saitama, miền bắc Nhật, nhận ra có gì đó không ổn với hai mắt của em. "Mắt phải của con cứ hướng vào phía trong", mẹ cô bé nhận xét với con. 

Em gái này từng bị chứng thị lực kép trong quá khứ nên không để tâm quá nhiều với trục trặc phát sinh, em chỉ đến gặp bác sĩ gần nhà như bình thường. Nhưng tới tháng 12 năm ngoái, khi được phó giáo sư Takashi Negishi ở Bệnh viện ĐH Juntendo khám, cô bé mới biết mình có thể đã bị bệnh mắt chéo cấp. 

Nữ sinh này bắt đầu dùng smartphone từ năm thứ 6 ở tiểu học và đã xem video trên điện thoại từ 3-4 tiếng mỗi ngày. Ông Negishi cho rằng việc nhìn vào điện thoại quá nhiều đã gây ra chứng bệnh vừa nêu.

Trẻ nhỏ dùng smartphone quá nhiều có thể bị bệnh mắt chéo - Ảnh minh hoạ: First Cry
Trẻ nhỏ dùng smartphone quá nhiều có thể bị bệnh mắt chéo - Ảnh minh hoạ: First Cry

Bất thường

Bệnh mắt chéo là tình trạng một trong hai đồng tử mắt hướng vào trong, gây hiện tượng thị lực kép, làm cho hai mắt của người bệnh cùng nhìn xiên vào phía mũi. Trước đây, bệnh mắt chéo cấp nếu có xảy ra, thường chỉ gặp ở trẻ em và cũng khá hiếm. 

Những người mắc bệnh này vẫn nhìn được mọi thứ bình thường bằng một mắt, nhưng khi nhìn bằng cả hai mắt, họ sẽ gặp tình trạng thị lực kép, tức là nhìn một vật thành hai.

Trước đây, bệnh mắt chéo cấp được nhận định có nguyên nhân từ những bất thường trong não và do căng thẳng (stress).

Hiện ở Nhật chưa có bằng chứng kết luận nào về mối liên hệ mang tính nhân quả giữa việc thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử với chứng bệnh này, song các nhân tố tác động lại khá rõ ràng, tới mức các bác sĩ nhãn khoa không thể không nêu ra cảnh báo.

Bác sĩ Hirohito Iimori (Bệnh viện ĐH Hamamatsu, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản) phân tích: "Khi một người nhìn quá gần vào một vật, hai mắt họ sẽ hướng vào bên trong để tập trung vào nó. Các màn hình thiết bị điện tử quá nhỏ, do đó mọi người phải gí sát mặt vào.

Nếu họ nhìn chằm chằm vào chúng trong thời gian dài, rất có thể nó sẽ khiến mắt họ khó trở về vị trí ban đầu hơn".

Khi một người bị bệnh mắt chéo cấp, họ bắt đầu nhìn một thành hai. Với em nhỏ gặp phải tình trạng này ở cấp tiểu học, bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của thị giác hai mắt. Thị giác hai mắt là sự phát triển bình thường của việc hai mắt sử dụng những khác biệt về thị lực của mỗi bên mắt giúp cảm nhận khoảng cách và các vật thể ba chiều. 

Điều đáng nói, như ông Iimori chỉ ra: "Khi các em còn nhỏ, ngay cả việc gặp phải những triệu chứng bất thường như vậy, chúng sẽ không phàn nàn về những chuyện này". Những trục trặc rất dễ bị bỏ qua cho tới khi gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

Thủ phạm: smartphone?

Điện thoại thông minh (smartphone) được cho là nguyên nhân làm tăng mức độ phổ biến của bệnh mắt chéo trong người trẻ. Theo Viện Chính sách thông tin và truyền thông, Bộ Nội vụ và truyền thông Nhật Bản, việc sử dụng smartphone đang tăng ở nước này.

Trong năm 2018, thời gian sử dụng điện thoại thông minh trung bình mỗi ngày trong tuần ở lứa tuổi teen là 2 tiếng 25 phút, vào cuối tuần là 4 tiếng.

Tại Hàn Quốc, tỉ lệ sở hữu smartphone trong nhóm thanh thiếu niên và người trẻ trưởng thành ngày càng tăng cao. Năm 2010, chỉ 5,8% thanh thiếu niên Hàn Quốc có điện thoại thông minh, nhưng chỉ một năm sau đó, năm 2011, tỉ lệ này vọt lên 36,2% và bùng nổ gần 15 lần, lên 81,5% vào năm 2013.

Tốc độ phổ biến của smartphone hiện nay còn liên quan tới nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác, như nạn nghiện smartphone. Theo một khảo sát năm 2012 về chứng nghiện điện thoại của Cơ quan Hiệp hội thông tin quốc gia Hàn Quốc, tỉ lệ nghiện điện thoại là 8,4%, cao hơn tỉ lệ nghiện Internet trung bình là 7,7% của nước này. 

Đáng nói, thanh thiếu niên và những người trẻ độ tuổi 20 có tỉ lệ nghiện smartphone cao hơn độ tuổi 30, 40. Tình trạng này gần như không có gì khác biệt tại nhiều quốc gia khác.

Các dữ liệu khảo sát khác đã tăng thêm luận điểm ủng hộ nỗi lo của các bác sĩ. Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện ĐH Hamamatsu tiến hành khảo sát các bác sĩ nhãn khoa về số ca bệnh mắt chéo cấp họ từng phải xử lý trong năm 2018. 

Theo đó, 158 bác sĩ (hơn 40% trong tổng số 371 bác sĩ nhãn khoa trả lời khảo sát) cho biết đã gặp các bệnh nhân trong độ tuổi từ 5-35 bị mắt chéo cấp.

Trong đó, 122 bác sĩ cho biết đã khám và tư vấn cho những người bệnh mà nguyên nhân gây chứng mắt chéo cấp được cho là sử dụng smartphone và các thiết bị điện tử khác quá nhiều.

Theo ông Takashi Negishi, cũng có những trường hợp khác rất dễ bị chứng mắt chéo cấp: "Với những người có thị lực kém và gặp vấn đề khi xem những hình ảnh nổi kiểu như phim 3D, có thể vì khả năng tự điều chỉnh vị trí con ngươi trong mắt của họ yếu, việc sử dụng smartphone sẽ khiến họ dễ bị mắt chéo cấp hơn nữa".

Khác với Nhật, từ năm 2016, Hàn Quốc đã công bố nghiên cứu cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh mắt chéo từ việc dùng liên tục smartphone trong thời gian dài.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc gồm Hyo Seok Lee, Sang Woo Park và Hwan Heo của Bệnh viện ĐH quốc gia Chonnam đăng trên tạp chí chuyên về nhãn khoa BMC Ophthalmol đã kết luận: bệnh mắt chéo cấp ở thanh thiếu niên Hàn Quốc có liên quan tới việc xem smartphone quá nhiều.

Nghiên cứu nhận thấy nếu trẻ dùng smartphone hoặc máy tính bảng quá lâu, chúng sẽ đối mặt với nguy cơ bị mắt chéo tăng cao hơn.

Tất cả các bệnh nhân bị bệnh mắt chéo trong nghiên cứu đều dùng điện thoại thông minh hơn 4 tiếng mỗi ngày trong một khoảng thời gian dài (tối thiểu 4 tháng).

Nghiên cứu cũng ghi nhận khi bớt thời lượng dùng smartphone, xu hướng hai mắt nhìn vào trong đã giảm và việc can thiệp điều chỉnh bằng phẫu thuật với các trường hợp này cũng đã có kết quả hứa hẹn.

Không dễ điều trị

Biện pháp điều trị mắt chéo cấp hiện nay là dùng kính đeo với lăng kính có tính năng khúc xạ ánh sáng để điều chỉnh hình ảnh và phẫu thuật để thay đổi vị trí cũng như chiều dài các cơ giúp điều chỉnh cử động của hai mắt.

Có một cách điều trị khác là tiêm botox vào các cơ giúp cử động mắt nhằm cố định chúng tạm thời, giữ cho đồng tử ở vị trí đúng. 

Nhưng tới nay, phương pháp này mang lại hiệu quả khác nhau với từng trường hợp điều trị. Bác sĩ Negishi cho biết: "Có những trường hợp người bệnh không hồi phục ngay cả khi họ đã được tiêm (botox) và phẫu thuật".

Để có những kết luận và khuyến cáo mạnh mẽ hơn về mối liên quan giữa smartphone và bệnh mắt chéo cấp, mùa thu năm nay Hiệp hội Nghiên cứu về tật lác mắt và chứng giảm thị lực Nhật Bản đã tìm hiểu mối liên quan giữa bệnh mắt chéo và việc sử dụng thiết bị điện tử.

Họ khảo sát 200 người, độ tuổi từ 5-35. Những người tham dự sẽ bị hạn chế thời gian sử dụng smartphone cũng như các thiết bị điện tử khác để xem việc này có giúp cải thiện các tật khúc xạ họ đang gặp phải hay không.

Theo trang Digital Spy, mặc dù thời gian sử dụng smartphone là nhân tố đáng kể gây nguy cơ bệnh mắt chéo, mức độ ghé mắt sát màn hình cũng đóng vai trò tác động tới tiến triển của bệnh. Hãng Samsung từng cung cấp ứng dụng phát cảnh báo người dùng, nhất là trẻ em, trong tình huống nhìn quá gần màn hình điện thoại.

Theo TTO