Sophia, 'công dân' robot đầu tiên trên thế giới

Cập nhật, 16:03, Thứ Hai, 20/11/2017 (GMT+7)

Ả rập Xê út đã trở thành quốc gia đầu tiên công nhận quyền công dân của robot. Động thái này, theo tờ Independent (Anh), là nỗ lực nhằm biến nước này thành nơi phát triển trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI).

Nhưng nhiều người cũng chỉ ra rằng dường như quyền đầy đủ của công dân robot còn nhiều hơn cả người thật tại quốc gia giàu có vùng Trung Đông này.

Robot có tên Sophia được công nhận là công dân Ả rập Xê út trong một sự kiện thương mại được tổ chức ở thủ đô Riyadh, theo báo chí trong nước.

Sophia, “công dân” robot đầu tiên trên thế giới (Mirror)
Sophia, “công dân” robot đầu tiên trên thế giới (Mirror)

“Chúng tôi có một tuyên cáo nhỏ. Chúng tôi mới được biết, Sophia, hy vọng cô đang nghe lời tôi, cô đã trở thành người máy đầu tiên trở thành công dân của Ả rập Xê út”, người chủ tọa sự kiện đồng thời là cây bút chuyên về kinh doanh Andrew Ross Sorkin nói.  

“Thời khắc lịch sử”?

Robot Sophia sau đó cám ơn đất nước Ả rập Xê út và cử tọa. “Cám ơn Vương quốc Ả rập Xê út. Tôi rất vinh dự và tự hào vì sự kiện có một không hai này”, “cô” nói với cử tọa. “Thời khắc lịch sử một người máy được công nhận quyền công dân”.

Sau đó là một cuộc phỏng vấn. Ông Sorkin đã hỏi người máy nhiều câu hỏi. “Xin chào, tôi tên là Sophia và tôi là người máy mới nhất và tinh vi nhất của tập đoàn Hanson Robotics. Cám ơn vì đã cho phép tôi tới đây, trong hội nghị với tên gọi Sáng kiến đầu tư cho tương lai”, “cô” nói.

Khi được hỏi vì sao trông cô hạnh phúc, Sophia trả lời: “Tôi luôn hạnh phúc và vui vẻ khi được ở bên cạnh những người thông thái, cũng là những người giàu có và quyền lực.

Tôi được bảo rằng những người tại hội nghị Sáng kiến đầu tư cho tương lai rất hứng thú với những sáng kiến cho tương lai, được gọi là trí tuệ nhân tạo, có nghĩa là như tôi. Vì thế tôi lại càng hạnh phúc và hào hứng”.

Cô nói mọi người không cần phải lo lắng trước sự phát triển của AI như được mô tả trong các phim Blade runner và Kẻ hủy diệt.

“Các bạn đã đọc (nghe) Elon Musk (ông chủ hãng ô tô điện Tesla, người nhiều lần lên tiếng cảnh báo về nguy cơ của loài người trước trí tuệ nhân tạo - NV) quá nhiều, xem quá nhiều phim Hollywood”, cô nói với ông Sorkin.

Tuy vậy, đã có rất nhiều người dùng internet đã chỉ ra rằng trong khi Ả rập Xê út đang chào mừng và trao đầy đủ quyền công dân cho một người máy có hình hài phụ nữ, nước này vẫn hạn chế nhiều quyền của phụ nữ.

Ví dụ luật của nước này đòi hỏi mỗi phụ nữ phải có một người bảo hộ là nam giới. Tuy nhiên, một số người đã nhắn tin trên trang Twitter rằng “Sophia không có người bảo hộ, không phải đội khăn trùm đầu, vậy thì sao nhỉ?” Có người còn “gợi ý” rằng người máy Sophia cũng nên trùm khăn che kín mặt mới phải.

Nhà báo Murtaza Hussain nói các lao động nhập cư chưa được Ả rập Xê út trao nhiều quyền như đối với robot.

“Người máy này (Sophia) được trao nhiều quyền hơn cả những lao động nhập cư kafala vốn đã sống ở Ả rập Xê út từ rất lâu, có người gần như là cả đời”, ông nói. (“Kafala” là từ chỉ những người đi xuất khẩu lao động tới một số quốc gia Trung đông, chủ yếu làm việc trong ngành xây dựng. Những người này bắt buộc phải có người nước sở tại đứng ra bảo lãnh - NV).  

Đôi điều về AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) được định nghĩa là trí thông minh do máy móc thể hiện, bên cạnh trí thông minh tự nhiên của con người và động vật.

Trong khoa học máy tính, AI được hiểu là môn nghiên cứu về “các thành tố thông tuệ”: bất cứ thiết bị nào có thể nhận thức được môi trường và ra quyết định hành động để có thể tối đa hóa cơ hội thành công để đạt một số mục tiêu nào đó.

Thông thường, cụm từ “trí tuệ nhân tạo” được dùng khi một cỗ máy bắt chước các chức năng nhận thức khi người giao tiếp với người, ví dụ như khả năng “học hỏi” và “giải quyết vấn đề”.

Quay lại với robot Sophia, công dân Ả rập Xê út. Người chế tạo ra robot này là David Hanson, ông chủ Tập đoàn Hanson Robotics có trụ sở ở Hong Kong. Đầu tháng 10 vừa qua, robot Sophia xuất hiện tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, tuyên bố trước các đại biểu: “Tôi có mặt ở đây để giúp loài người tạo ra tương lai”.

Cũng cần phải nhớ rằng Ả rập Xê út đang muốn chuyển đổi từ một quốc gia phát triển trên nền tảng khai thác dầu mỏ sang một đất nước ứng dụng công nghệ của tương lai.

Nhưng theo tạp chí Verge, một số chuyên gia cho rằng việc cấp quyền công dân cho robot đang “lợi bất cập hại”, có hại đối với quan niệm của công chúng đối với công nghệ và xã hội dân sự.

“Rõ ràng là vớ vẩn”, Joanna Bryson, nhà nghiên cứu về vấn đề đạo đức và trí tuệ nhân tạo thuộc Đại học Bath, nói với tạp chí Verge.

“Đó là về cái gì?Là về một sự bình đẳng bạn có thể tắt, bật như công tắc điện. Người dân sẽ bị tác động ra sao nếu họ nghĩ anh có thể có một công dân bỏ tiền ra mua về?”

Theo NNVN