Từ tháng 7, theo quy định mới nhất tại Thông tư số 26/2025 do Bộ Y tế vừa ban hành, có 252 bệnh thuộc danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, thay vì tối đa 30 ngày như trước đây. Đây là điểm mới trong quy định về kê đơn tại các cơ sở khám chữa bệnh, giúp người mắc bệnh mạn tính không cần tái khám hàng tháng như trước.
![]() |
Người dân khám bệnh tại Trung tâm Y tế khu vực Mang Thít. |
Có đến 252 bệnh được cấp thuốc tối đa 90 ngày
Danh mục này gồm 252 bệnh, nhóm bệnh thuộc 16 chuyên khoa như ung thư (ung thư vú, phổi không phải tế bào nhỏ, tuyến giáp), bệnh về máu (tan máu bẩm sinh, bệnh hồng cầu hình liềm...), bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa (suy tuyến giáp, suy tuyến yên, đái tháo đường…), bệnh tâm thần, bệnh hệ thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, da, bệnh hệ cơ- xương- khớp và mô liên kết…
Chủ trương này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người bệnh, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi, người bệnh khó khăn trong đi lại. Bên cạnh đó, Thông tư số 26 quy định ngoài danh sách bệnh được quy định, bác sĩ có thể quyết định số ngày sử dụng thuốc trong đơn, căn cứ vào tình trạng lâm sàng và mức độ ổn định của người bệnh. Trong nhiều trường hợp, thuốc có thể được kê cho thời gian sử dụng tối đa là 90 ngày.
Bộ Y tế cho biết việc kê đơn dài ngày tạo thuận lợi cho người bệnh mạn tính, giúp giảm tần suất tái khám định kỳ. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu bất thường trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần đến cơ sở y tế tái khám ngay, nếu có các triệu chứng bất thường về sức khỏe, chứ không chờ dùng hết đơn thuốc ngoại trú.
Người bệnh hưởng lợi
Trước đây, theo Thông tư số 52/2017 của Bộ Y tế, các bệnh viện chỉ được kê đơn ngoại trú tối đa 30 ngày. Nhiều bệnh nhân (BN) mắc bệnh mạn tính, đặc biệt như tiểu đường, tăng huyết áp... phản ánh, việc lấy thuốc hàng tháng khiến họ phải đợi chờ xếp hàng, gây áp lực cho cả đội ngũ cán bộ y tế và cơ sở khám, chữa bệnh.
Trong khi đó, một số BN có tình trạng ổn định- theo nhận định của chuyên gia- có thể kéo dài thời gian dùng thuốc hơn. Do đó, quy định này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho BN cũng như giảm áp lực quá tải với các cơ sở y tế.
Chú T.V.L. (xã Nhơn Phú, Vĩnh Long) cho biết: “Bệnh huyết áp, tiểu đường nằm trong danh sách được cấp thuốc trên 1 tháng, chú mừng lắm. Do bệnh đã ổn định, nên bác sĩ cho nhận thuốc BHYT trong 2 tháng. Ngoài uống thuốc đúng toa, đúng cữ, chú còn thay đổi lối sống như tập thể dục, ăn giảm mặn; giảm bột đường để bệnh tình của mình được điều trị ổn định”.
Theo BS.CK2 Bùi Minh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Y tế khu vực Mang Thít, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận từ 600-800 lượt BN đến khám, trong đó bệnh mạn tính chiếm khoảng 60-70%. Từ ngày 1/7, trung tâm đã triển khai quy định mới kéo dài thời gian cấp phát thuốc bệnh mạn tính đến 3 tháng/lần theo thông tư mới của Bộ Y tế, cả người bệnh và bệnh viện đều vui mừng.
“Các bác sĩ sẽ quyết định số ngày có thể cấp phát thuốc cho người bệnh, dành được nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc và hỏi han kỹ tình trạng bệnh cũng như khuyến cáo phòng bệnh. Tuy nhiên cần phải có sự linh hoạt của bác sĩ, đánh giá tình hình từng người bệnh. Trường hợp bệnh đã ổn định có thể linh hoạt về thời gian, vì diễn tiến bệnh của người lớn tuổi rất dễ chuyển tiến nặng”- BS Minh Tuấn cho biết.
Theo TS.BS Vương Ánh Dương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chủ trương cấp thuốc điều trị dài ngày xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người bệnh, đặc biệt là những người đang sống ở vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi, người bệnh khó khăn trong đi lại.
Thông tư số 26 cũng bổ sung quy định với trường hợp người bệnh khám nhiều chuyên khoa trong một lần khám. Theo đó, bệnh viện sẽ phân công bác sĩ kê đơn, bảo đảm người bệnh chỉ có một đơn thuốc chung, tránh trùng lặp hoặc tương tác thuốc không an toàn. |
Tuy nhiên, bác sĩ sẽ phải đánh giá từng BN cụ thể để quyết định số ngày cấp thuốc, có thể là 30, 60 hoặc tối đa 90 ngày sao cho an toàn, phù hợp từng người bệnh, chứ không phải cứ mắc bệnh trong danh mục là sẽ được mặc định cấp thuốc 90 ngày. Trong trường hợp thuốc chưa dùng hết nhưng bệnh diễn biến bất thường, hoặc người bệnh không thể tái khám đúng hẹn, bắt buộc phải quay lại cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá và điều chỉnh đơn thuốc nếu cần.
Thông tư cũng quy định rõ người kê đơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đơn thuốc của mình, đảm bảo phù hợp với chẩn đoán, mức độ ổn định của bệnh và khả năng người bệnh tự theo dõi điều trị tại nhà. Thực tế thời gian qua cho thấy, đề xuất này không chỉ làm giảm phiền hà cho người bệnh mà còn giảm tải cho bệnh viện.
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin