Sốt xuất huyết trẻ em thường diễn biến nhanh

13:39, 25/07/2025

Những ngày qua, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại ĐBSCL tăng nhanh, diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở trẻ em. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, tính đến ngày 15/7 đã ghi nhận 422 ca điều trị nội trú, tăng 38% so với cùng kỳ, trong đó có gần 50 ca trở nặng.

Đáng chú ý, nhiều trẻ vào viện trong tình trạng sốc. Từ đầu tháng 6/2025 đến nay, Khoa Cấp cứu tiếp nhận và điều trị 17 trường hợp trẻ sốc SXH.

Đơn cử bệnh nhi (BN) tên P.T.C.T. (11 tuổi) nhập viện vào giữa tháng 6/2025 với tình trạng sốt cao ngày thứ 3 kèm ăn uống kém, đau bụng, nôn ói, tay chân lạnh, huyết áp kẹp, tụt. Các bác sĩ đánh giá BN rơi vào tình trạng sốc, một thể nặng của bệnh SXH. Ê kíp trực cấp cứu đã nhanh chóng điều trị chống sốc tích cực theo phác đồ cho bé. Nhờ đó, tình trạng sức khỏe BN cải thiện dần và đã được xuất viện.

Ngày 5/7, Khoa Cấp cứu cũng tiếp nhận BN tên H.H.T.D. 7 tuổi vào viện vì sốt cao ngày 4 nôn ói hơn 10 lần/ngày, người nhà theo dõi tại nhà mà không đưa bé đến bệnh viện thăm khám. Khi bé được đưa vào viện đang trong tình trạng sốc, tại Khoa Cấp cứu bé được điều trị chống sốc tích cực. Tuy nhiên do người nhà chủ quan đưa bé đến trễ nên lâm sàng bé diễn tiến nặng tái sốc nhiều lần, phải thở máy hỗ trợ. Hiện tình trạng bé đã ổn hơn được cai máy thở và chuyển khoa lâm sàng điều trị tiếp.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, thời điểm này đang vào cao điểm dịch sốt xuất huyết, vì vậy các gia đình đặc biệt lưu ý biện pháp phòng bệnh diệt lăng quăng, ngừa muỗi đốt; tiêm ngừa vaccine phòng SXH cho trẻ. Theo dõi diễn biến khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao đột ngột liên tục 2-3 ngày, cần theo dõi sát và đưa trẻ đến bệnh viện khi có dấu hiệu cảnh báo sau: lừ đừ, mệt nhiều, bứt rứt; đau bụng nhiều, nôn ói liên tục; tay chân lạnh, da nổi bông; khó thở, vật vã, li bì… Lưu ý, người thân tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà, vì có thể làm bệnh nặng hơn hoặc gây biến chứng nguy hiểm.

MAI ANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh