Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm, đa phần có triệu chứng nhẹ và sẽ hết trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, có những trường hợp phát hiện bệnh trễ, bệnh trở nặng dẫn đến sốc SXH, thậm chí có thể tử vong. Do đó, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
![]() |
Một bác sĩ cho biết, virus sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh gây bệnh, điều này đồng nghĩa một người có thể mắc bệnh 4 lần trong đời. |
Cảnh giác sốt xuất huyết ở thai phụ
Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ vừa tiếp nhận điều trị cho thai phụ 40 tuổi mang thai tuần thứ 24, bị nhiễm SXH diễn tiến nặng. Thai phụ là chị V.T.H., nhập viện trong tình trạng sốt cao và mệt mỏi. Trước đó 1 ngày, bệnh nhân (BN) xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ nhưng không có dấu hiệu cải thiện. Qua thăm khám và kết quả các xét nghiệm, cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán BN dương tính với virus Dengue.
Tình trạng của BN chuyển biến nặng với các dấu hiệu nguy hiểm như tiểu cầu giảm thấp kèm theo huyết áp thấp, nguy cơ xuất huyết tăng cao. BN được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu xuất huyết, sốc SXH và tình trạng thai nhi, các bác sĩ tập trung điều trị triệu chứng, hạn chế vận động và bù dịch khi cần thiết, bởi SXH hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Theo các bác sĩ Khoa Phẫu thuật gây mê- Hồi sức tích cực- Chống độc, trường hợp của BN cho thấy mức độ nguy hiểm của SXH đối với phụ nữ mang thai. Khi mang thai, hệ miễn dịch của người phụ nữ thường suy yếu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho virus Dengue tấn công và phát triển mạnh mẽ.
Do đó, các thai phụ không được chủ quan khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ như: sốt cao đột ngột, đau mỏi cơ khớp, chảy máu chân răng, chảy máu cam hay xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da; cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Không chủ quan, lơ là
Tại Khoa Truyền nhiễm- BVĐK Vĩnh Long, các tháng đầu năm đã tiếp nhận điều trị nội trú gần 60 ca SXH. Đáng chú ý, chỉ từ đầu tháng 7 đến nay, khoa tiếp nhận và điều trị 15 trường hợp SXH. Một số BN rơi vào tình trạng nặng vì chủ quan.
BN nam T.T.A. (22 tuổi, phường Thanh Đức), 4 ngày trước khi nhập viện có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi người, mắc ói. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán BN bị SXH Dengue ngày 4, kèm rối loạn tiêu hóa, sốc SXH, được xử trí chống sốc theo phác đồ. Đến nay, BN đáp ứng tốt, ăn uống được.
Còn chị N.T.T.H. (35 tuổi, phường Long Châu) cho biết đã nhập viện 5 ngày, thường xuyên cảm thấy sốt, mệt mỏi. “Đây là lần đầu tiên tôi mắc bệnh SXH. Lúc đầu tôi bị ớn lạnh, sốt mua thuốc tây uống và cũng không nghĩ mình bị mắc bệnh SXH. Nhưng cứ sốt đi sốt lại, đến ngày thứ 4 thấy khó thở, mệt nhiều mới vô bệnh viện khám nhập viện luôn. Đến khi hết sốt, cơ thể tôi bắt đầu nổi lên nhiều nốt bầm đỏ thì lúc đó bệnh đã trở nặng rồi”- chị H. cho biết.
Theo BS.CK1 Nguyễn Quang Vinh- Phó Khoa Nhiễm BVĐK Vĩnh Long, virus SXH có 4 chủng huyết thanh gây bệnh. Điều này đồng nghĩa một người có thể mắc bệnh 4 lần trong đời. Thế nhưng, nhiều người chủ quan, khi cảm thấy sốt, mệt thì ra tiệm mua thuốc về uống.
“Đối với SXH, người dân không nên lơ là, chủ quan vì sẽ khiến bệnh trở nặng và gây nhiều biến chứng như giảm tiểu cầu, cô đặc máu, chảy máu tự nhiên thậm chí xuất huyết não, sốc, suy đa cơ quan. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai; người có cơ địa đặc biệt, thừa cân béo phì, hoặc mang các bệnh nền có thể dễ diễn biến nặng hơn. Do đó, khi có biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà”- BS Quang Vinh cảnh báo.
Chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết đang rút ngắn Ngày 11/7, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường phòng, chống SXH và các bệnh truyền nhiễm năm 2025. Theo Cục Phòng bệnh, ở nước ta chu kỳ xảy ra các đợt bùng phát dịch SXH giữa các năm có xu hướng ngắn hơn so với trước từ khoảng 5 năm 1 lần xuống còn 3-4 năm. Đợt dịch SXH bùng phát gần nhất vào năm 2022 với số trường hợp mắc cao (370.000 ca). Do đó, nguy cơ có thể xảy ra đợt bùng phát dịch vào năm 2025 là rất lớn. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca SXH, 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc giảm hơn 11% và số tử vong giảm một trường hợp. Hiện nước ta đã bắt đầu vào mùa cao điểm dịch SXH, với đặc điểm thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện cho muỗi phát triển, truyền bệnh. Số ca mắc đã ghi nhận sự gia tăng cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt tại khu vực miền Nam (chiếm hơn 70% số ca mắc cả nước). Tại hội nghị, Bộ Y tế phổ biến Kế hoạch hành động cao điểm phòng chống SXH, tay chân miệng và COVID-19 năm 2025. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh SXH nói riêng, các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, hạn chế thấp nhất số ca mắc… |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin