Theo Bộ Y tế, Việt Nam có hơn 15 triệu người đang hút thuốc lá (TL), nằm trong số các quốc gia có lượng người hút thuốc cao nhất thế giới. TL là nguyên nhân liên quan gây tử vong cho hơn 103.000 người hút thuốc chủ động và do phơi nhiễm khói thuốc thụ động. Các bệnh lý gây ra bởi TL như ung thư, tim mạch, đột quỵ và bệnh đường hô hấp...
![]() |
Nhiều bệnh nhân bị COPD, đột quỵ, nhồi máu cơ tim vì tác hại thuốc lá. |
Bệnh viện là… nhà
Ghi nhận tại các bệnh viện ở Vĩnh Long, mỗi ngày, không ít bệnh nhân (BN) có tiền sử hút TL đang gánh chịu hậu quả nặng nề do thói quen hút TL gây ra.
Những BN mắc viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) điều trị tại Bệnh viện Phổi Vĩnh Long phần lớn do thời gian dài hút TL. Ngoài 50 tuổi, nhưng anh T.V.L. (xã Nhơn Phú) bị bệnh COPD hơn 10 năm nay. BN gặp không ít khó khăn trong cuộc sống từ ngày mắc bệnh, bởi một năm phải nhập viện từ 2-4 lần. “Tui bệnh khó thở, ho đàm nhiều. Chỉ khi nào vô viện nằm, bác sĩ cho thở oxy thì mới đỡ, còn ở nhà tình trạng khó thở và mệt mỏi lắm. Mỗi đợt điều trị kéo dài gần nửa tháng để ổn định sức khỏe”.
Còn ông N.V.Q. (62 tuổi, xã Long Hồ) chia sẻ, tính đến thời điểm phát hiện mình mắc bệnh COPD thì ông đã có “thâm niên” hút TL gần 40 năm. Mấy năm gần đây, ông thường xuyên khó thở, tức ngực, ho nên mới đi khám. Kể từ đấy ông cũng ở viện nhiều hơn ở nhà. Bác sĩ cho biết, ông sẽ phải gắn bó với căn bệnh COPD đến hết phần đời còn lại, nếu tiếp tục hút TL thì tình hình bệnh sẽ ngày càng nặng hơn.
Theo BS Thái Nguyên Kim- Khoa Phổi, Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, thống kê cho thấy có hơn 50% BN điều trị nội trú tại bệnh viện có tiền sử hút TL. Trong đó, có không ít BN tần suất nhập viện ngày càng gần từ 1 năm, 6 tháng và thậm chí chỉ sau 1 tháng xuất viện là quay lại điều trị do các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp đặc biệt là bệnh COPD.
“Bệnh viện ghi nhận rất nhiều BN mắc bệnh COPD, ung thư phổi, hen phế quản. Nguyên nhân hàng đầu vẫn là thói quen hút TL và sống trong môi trường ô nhiễm. Nhiều BN dù biết hút TL sẽ khiến bệnh COPD nặng hơn, ho nhiều hơn, mệt và khó thở hơn, nhưng sau khi vừa điều trị dứt điểm thì lại tiếp tục hút thuốc nên bệnh chỉ có tăng nặng dần”- BS Nguyên Kim cho biết.
Không chỉ gây các bệnh liên quan đến đường hô hấp mà TL còn gây nhiều bệnh lý nguy hiểm về tim mạch. Khoa Nội tim mạch lão khoa, BVĐK Vĩnh Long lúc nào cũng có BN điều trị bệnh tim có tiền sử hút TL. Căn bệnh không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người mắc phải mà còn ảnh hưởng đến kinh tế gia đình do thời gian và tần suất nhập viện điều trị ngày một tăng.
Theo BS.CK2 Phạm Thị Mai Hậu- Phó Trưởng Khoa Nội tim mạch lão khoa, nghiện TL lâu năm không chỉ có nguy cơ cao gây ung thư phổi mà còn là một yếu tố nguy hiểm của bệnh lý mạch máu, trong đó có mạch máu não và mạch vành. Vì vậy, mỗi người cần nhận thức được sự nguy hiểm của TL và tránh xa những thứ độc hại tương tự TL ngay từ bây giờ để bảo vệ mình, người thân và cộng đồng.
Thuốc lá điện tử cũng gây hại
Theo Bộ Y tế, TL chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản. Khi một người hút thuốc, khói thuốc lan tỏa và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả những người xung quanh, dù họ không hút thuốc. Việc sử dụng TL đang gây ra gánh nặng nghiêm trọng và ngày càng gia tăng về bệnh tật, tử vong sớm, cũng như chi phí y tế.
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, TL vẫn là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Không có loại TL nào an toàn, dù là truyền thống hay TL điện tử bởi vẫn chứa chất độc hại, gây tổn thương nghiêm trọng cho phổi, tim mạch và nhiều cơ quan khác. Việt Nam từng ghi nhận hơn 1.200 trường hợp nhập viện liên quan đến TL điện tử, trong đó có ca bị tổn thương não. Dù đã bị cấm từ đầu năm 2025, TL điện tử vẫn len lỏi trên thị trường. Những quảng cáo sai lệch khiến nhiều bạn trẻ hiểu nhầm và sử dụng các sản phẩm độc hại này.
Tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng TL điện tử, TL nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội. Với quy định này sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 trong khu vực ASEAN thực hiện chính sách cấm TL điện tử và TL nung nóng. Quyết định này không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ sức khỏe người dân mà còn được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. |
“TL điện tử chứa nicotine, chất gây nghiện cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim, phổi và đặc biệt là sự phát triển não bộ của thanh thiếu niên. Tuyệt đối không nên để các em sử dụng TL điện tử. Vì vậy, gia đình chú ý khi con sử dụng TL điện tử cần ngăn chặn. Nếu ở mức độ trẻ bứt rứt, khó chịu, hành vi bất thường cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời”- BS Thu Hằng khuyến cáo.
Hành động vì một thế hệ không khói TL không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế. Ngành y tế kêu gọi các tổ chức xã hội và Nhân dân cùng chung tay loại bỏ TL- kẻ giết người thầm lặng, là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh tật.
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin