Đưa y dược cổ truyền phát triển đúng tầm 

14:27, 08/07/2025

Ngày 4/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền (YDCT), kết hợp YDCT với y dược hiện đại. Nhấn mạnh nguyên tắc “kết hợp 4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế sớm hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để đưa YDCT phát triển đúng tầm, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe Nhân dân. 

Sinh viên Khoa Y dược Trường Cao đẳng Vĩnh Long học dược liệu tại vườn thuốc nam mẫu. 
Sinh viên Khoa Y dược Trường Cao đẳng Vĩnh Long học dược liệu tại vườn thuốc nam mẫu. 

Tỷ lệ giường bệnh y dược cổ truyền tăng so với 5 năm trước

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, sau 5 năm triển khai chương trình, mạng lưới YDCT được củng cố và phát triển đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, cả nước có 66 bệnh viện YDCT công lập và 10 bệnh viện YDCT tư nhân, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Tỷ lệ giường bệnh YDCT đạt 16% trên tổng số giường bệnh chung, tăng 2,7% so với 5 năm trước. Chất lượng dược liệu, vị thuốc được bảo đảm, thuốc cổ truyền đã đa dạng và hiệu quả điều trị cao.

Trong giai đoạn 2020-2025, đã có 30 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về YDCT được phê duyệt và triển khai. Đáng chú ý, lĩnh vực phát triển dược liệu có bước đột phá: Việt Nam hiện ghi nhận hơn 5.100 loài thực vật, nấm, hàng trăm loài động vật, khoáng vật và tảo biển có công dụng làm thuốc. Có 25 tỉnh xây dựng được quy hoạch vùng trồng cây thuốc, các đơn vị và cơ sở thu mua dược liệu trong nước tăng, cơ sở nuôi trồng dược liệu phát triển mạnh mẽ… 

Dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan công tác phát triển YDCT trong 5 năm qua vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và đề án quan trọng chưa hoàn thành như kỳ vọng. Nhận thức chung về vai trò, vị thế của YDCT còn hạn chế.

Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực YDCT- cả về ngân sách, nhân lực và cơ sở vật chất- còn khiêm tốn. Cơ chế chính sách chưa theo kịp với sự phát triển của y học cổ truyền, tính khả thi chưa cao. Đầu tư nguồn lực chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của YDCT…

Tại Vĩnh Long, 5 năm qua, mạng lưới quản lý nhà nước về YDCT được củng cố và hoàn thiện. Bệnh viện YDCT tỉnh được thành lập, hoạt động khám chữa bệnh (KCB) bằng YDCT tại các trạm y tế xã phát triển, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ.

Giải pháp trong thời gian tới, ngành y tế Vĩnh Long tập trung các nhiệm vụ, bao gồm: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, Nghị quyết Đại hội XIII và các chủ trương của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; rà soát, cập nhật và củng cố hệ thống tổ chức KCB YDCT mới phục vụ chính quyền 2 cấp.

Ngoài ra, tập trung phát triển toàn diện YDCT kết hợp với y học hiện đại trong điều trị bệnh không lây nhiễm; nâng cao chất lượng KCB của các bệnh viện YDCT; phát triển khoa YDCT tại các BVĐK; phát huy tốt vườn thuốc nam tại 124 trạm y tế xã; bảo tồn và phát triển các vùng nuôi, trồng dược liệu quý… 

Phát triển y dược cổ truyền, nâng cao sức khỏe Nhân dân 

Để phát triển YDCT, Bộ Y tế đề ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này. Trước hết, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội về công tác phát triển YDCT.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách toàn diện ở tất cả các mặt, đảm bảo tính đặc thù cho YDCT phát triển, không áp dụng chung với cơ chế chính sách y tế nói chung. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, đa dạng về hình thức, sâu rộng cả về đối tượng và nội dung của YDCT. Chú trọng công tác kế thừa, phát huy những tinh hoa của nền YDCT Việt Nam. 

Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, YDCT là một bộ phận quan trọng của nền y học Việt Nam. YDCT đã đi cùng lịch sử dân tộc với tứ chẩn (vọng, văn, vấn, thiết- 4 phương pháp khám bệnh cơ bản trong y học cổ truyền). Hệ thống pháp luật hiện hành bao giờ cũng có một mảng về y dược học cổ truyền, tuy mức độ ở từng thời kỳ có sự khác nhau. 

Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng KCB cho Nhân dân bằng YDCT. Đồng thời tập trung đổi mới mạnh mẽ tư duy, có giải pháp cụ thể, khả thi, mang tầm chiến lược lâu dài; chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng chức danh nghề nghiệp, vị trí xứng đáng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác y học cổ truyền; phát triển sản phẩm y học cổ truyền như phát triển các sản phẩm OCOP... 

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu ngành y tế và các cấp, các ngành cần quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Bộ Y tế nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, đó là: “Phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Cần nâng cao vai trò của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong điều trị bệnh mạn tính và phục hồi chức năng; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị; đẩy mạnh nghiên cứu về các bài thuốc dân gian, nâng cao tính khoa học của y học cổ truyền; đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu đông y, phát triển các phương pháp chữa bệnh hiệu quả bằng thảo dược; hỗ trợ đào tạo bác sĩ y học cổ truyền, mở rộng mô hình kết hợp đông- tây y”.

 Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh