Chủ động phòng chống sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm 

12:48, 15/07/2025

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng và COVID-19 trước nguy cơ bùng phát cục bộ, đặc biệt trong mùa mưa.

Dự báo nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết 

Nhân viên y tế Vĩnh Long tuyên truyền người dân chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Nhân viên y tế Vĩnh Long tuyên truyền người dân chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, một số bệnh như SXH, tay chân miệng và COVID-19 đã bắt đầu có xu hướng tăng cục bộ tại một số địa phương. Đáng chú ý, tính từ đầu năm đến ngày 8/7, cả nước ghi nhận hơn 32.100 ca mắc SXH, trong đó có 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2024 (ghi nhận 36.276 ca và 6 ca tử vong), số mắc giảm 11,2%, tử vong giảm 1 ca. 

Theo ThS Võ Hải Sơn- Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, số ca mắc ghi nhận tăng cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt khu vực phía Nam chiếm hơn 70%. Các type virus SXH lưu hành chủ yếu vẫn là D1 và D2 và chiếm hơn 90% các trường hợp. 

Chu kỳ bùng phát dịch SXH tại Việt Nam đang có xu hướng ngắn lại, từ khoảng 5 năm xuống còn 3-4 năm trong những năm gần đây. Đợt dịch bùng phát gần nhất vào năm 2022 với 370.000 ca mắc. Nguy cơ xảy ra đợt bùng phát dịch vào năm 2025 là rất lớn nếu các địa phương không triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt ngay từ đầu mùa dịch. Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương chủ động phòng chống dịch với tinh thần “từ sớm, từ xa, không để khi xảy ra dịch mới triển khai”.

Bên cạnh SXH, các dịch bệnh truyền nhiễm khác vẫn diễn biến phức tạp. Thống kê mới nhất về bệnh sởi cho thấy, cả nước đã ghi nhận hơn 97.000 ca mắc và 11 trường hợp tử vong. Đối với bệnh tay chân miệng, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 30.000 ca mắc không có tử vong. Đáng chú ý, trẻ em dưới 10 tuổi chiếm 99% số ca mắc tay chân miệng, trong đó trẻ từ 1-5 tuổi (độ tuổi đi mẫu giáo, mầm non) chiếm hơn 92%.

Đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm 

Tại Vĩnh Long, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí địa phương để đẩy mạnh truyền thông phòng dịch. Các nội dung ưu tiên bao gồm: Hướng dẫn nhận biết triệu chứng bệnh, cách phòng chống muỗi đốt, tiêm vaccine phòng bệnh sởi- rubella, COVID-19 và khuyến cáo người dân khi có triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, qua giám sát dịch tễ, mật độ muỗi, lăng quăng có chiều hướng gia tăng. Dự báo, nguy cơ cao bệnh SXH gia tăng bởi đang vào mùa mưa. Từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận 1.576 ca mắc SXH, trong đó có 42 trường hợp nặng và hơn 910 ổ dịch SXH nhỏ. 

Trước bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, TS Hoàng Minh Đức- Cục trưởng Cục Phòng bệnh, cho biết: “Cục Phòng bệnh đã ban hành kế hoạch được coi là trọng điểm trong phòng chống bệnh SXH. Cục cũng đề nghị 34 tỉnh, thành dựa trên kế hoạch chung này xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với đặc thù của từng địa phương”.

TS Hoàng Minh Đức cũng lưu ý các địa phương trong phòng chống SXH đó là nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ và biện pháp phòng bệnh. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và các chỉ số muỗi để có hành động kịp thời. Đào tạo chuyên sâu không chỉ cho cán bộ phòng bệnh mà cả khối điều trị, giúp nâng cao năng lực ứng phó và cuối cùng là chủ động triển khai các lớp học, các buổi tập huấn trao đổi kinh nghiệm phòng chống bệnh.

Để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát bệnh SXH, ngành y tế Vĩnh Long khuyến cáo mỗi người dân, mỗi gia đình cùng chung tay chủ động phòng ngừa SXH bằng những việc làm đơn giản như: dành 10-15 phút mỗi ngày để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để diệt lăng quăng thì muỗi không có cơ hội phát triển và cắt đứt nguồn lây bệnh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, các bệnh truyền nhiễm khác đang quay trở lại, Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò quan trọng của người dân trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, không chủ quan trước các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu, nhằm đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát trên diện rộng.

Tại hội nghị, Bộ Y tế phổ biến Kế hoạch hành động cao điểm phòng chống SXH, tay chân miệng và COVID-19 năm 2025. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh SXH nói riêng, các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, hạn chế thấp nhất số ca mắc…

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh