Bệnh dại là mối nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng con người, tỷ lệ tử vong do bệnh dại gần như 100% khi xuất hiện các triệu chứng. Phát hiện sớm và xử trí, tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa tử vong.
![]() |
Cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý vết thương đúng cách và tiêm ngừa kịp thời, ngay khi bị chó, mèo cắn. |
Tỷ lệ tử vong cao
Tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành từ nhiều năm nay. Đây là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây tử vong hàng đầu, với tỷ lệ tử vong gần 100% khi xuất hiện các biểu hiện lâm sàng. Theo Bộ Y tế, nguồn chính gây bệnh dại là chó, mèo. Giai đoạn 2017-2021, trung bình hàng năm ghi nhận khoảng hơn 70 người chết, là bệnh truyền nhiễm có số người tử vong cao nhất.
Năm 2024, cả nước ghi nhận 80 trường hợp tử vong do bệnh dại thì 6 tháng đầu năm 2025, cả nước đã có 42 trường hợp nghi dại và tử vong do bệnh dại tại 19 tỉnh, thành phố, giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024 (47 trường hợp). Tỉnh Gia Lai có số ca tử vong cao nhất khu vực Tây Nguyên liên tiếp qua các năm. Tỉnh Bình Thuận (nay là tỉnh Lâm Đồng) là điểm nóng về bệnh dại mới nổi, trong năm 2024 đến tháng 5/2025, đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Hầu hết trường hợp tử vong là do chủ quan, không tiêm vaccine phòng dại sau khi bị chó, mèo cắn... Đáng lưu ý, có những trường hợp sau khi bị chó cắn đã đi lấy nọc độc chó dại hoặc đắp thuốc để hy vọng chữa bệnh dại. Song, những phương pháp này không mang lại hiệu quả. Bởi 100% trường hợp khi đã phát bệnh dại sẽ tử vong.
Ngày 14/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp bệnh nhân là bé trai 13 tuổi tử vong do bệnh dại vì từng nhiều lần bị chó cắn, nhưng không được người nhà đưa đi tiêm vaccine phòng bệnh. Đây là ca tử vong nghi do dại thứ 6 tại tỉnh từ đầu năm 2025 đến nay.
Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông tin vừa tiếp nhận 1 nam bệnh nhân (là tài xế) bị chó cắn nhiều lần nhưng không tiêm ngừa, nhập viện với các triệu chứng điển hình của bệnh dại (biểu hiện kích động, hốt hoảng, tăng tiết đờm dãi, mắt đỏ, tai thính). Những biểu hiện này cho thấy bệnh đã bước sang giai đoạn toàn phát, rất nguy hiểm, tiên lượng rất xấu và hầu như không còn khả năng điều trị khỏi.
Không được chủ quan
Theo BS.CK2 Nguyễn Nguyên Huyền- Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và tiêm chủng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra.
Bệnh lây truyền sang người chủ yếu qua vết cắn, vết cào xước sâu hoặc khi nước bọt của động vật bị dại tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (mắt, mũi, miệng) hay vùng da bị tổn thương, trầy xước của người. Virus dại tồn tại trong nước bọt của động vật mắc bệnh. Một vật nuôi đã được tiêm ngừa vaccine dại đầy đủ và hiệu quả sẽ có kháng thể bảo vệ và không lây truyền virus dại.
Ở người, khi bệnh dại đã phát ra các triệu chứng lâm sàng, bệnh biểu hiện bằng những dấu hiệu thần kinh đặc trưng như sợ nước (chứng sợ nước), sợ gió (chứng sợ không khí), kèm theo co giật, rối loạn tri giác, liệt. Bệnh dại ở người gần như luôn dẫn đến tử vong nếu không được xử lý dự phòng sau phơi nhiễm kịp thời (tiêm vaccine và/hoặc huyết thanh kháng dại) ngay sau khi bị cắn/cào.
Tại tỉnh, ngành y tế đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân không chủ quan với những vết thương động vật cắn dù nhẹ và cẩn trọng khi nuôi nhốt chó, mèo. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Vĩnh Long), những năm gần đây, số người tiêm vaccine phòng dại tăng lên đáng kể, trong đó có nhiều trường hợp phải tiêm cả huyết thanh kháng dại do vết thương nguy hiểm.
6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có trên 6.520 lượt người tiêm vaccine phòng bệnh dại. Để phòng ngừa bệnh dại, bên cạnh công tác tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại, các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp như: tổ chức các đợt tiêm ngừa dại cho chó, mèo tại cộng đồng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, nuôi giữ vật nuôi an toàn, chủ động tiêm ngừa cho vật nuôi nhằm phòng tránh bệnh dại;…
Theo Phó Giám đốc CDC Vĩnh Long- Huỳnh Thanh Tân, ngành y tế thường xuyên tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại và cơ chế lây nhiễm của virus gây bệnh dại. Đồng thời khuyến cáo người dân không nên chủ quan, khi bị chó, mèo cắn cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý vết thương đúng cách và tiêm ngừa kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà, tránh để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
CDC Vĩnh Long khuyến cáo, người dân khi bị chó mèo cắn, cào, liếm trên vết thương hở, cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm giập vết thương và không băng kín vết thương; kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. |
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin