Điều dưỡng- những “blouse trắng” thầm lặng

06:43, 23/05/2025

Đóng vai trò như một gạch nối quan trọng giữa y bác sĩ và bệnh nhân (BN), đội ngũ điều dưỡng (ĐD) luôn là những người cận kề BN. Công việc không đơn giản chỉ là phát thuốc, lấy ven, tiêm truyền mà còn chăm sóc, theo dõi sát BN và cả vô vàn việc không tên khác. Tất cả chỉ để chăm sóc người bệnh một cách toàn diện nhất, giúp BN phục hồi sức khỏe, trở về cuộc sống bình thường.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn điều dưỡng như nhau, đặc thù ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc còn là việc chăm sóc người bệnh như người nhà của mình.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn điều dưỡng như nhau, đặc thù ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc còn là việc chăm sóc người bệnh như người nhà của mình.

Luôn sát cánh với người bệnh tâm thần

Những âm thanh gào thét, bao ánh mắt ngây dại, gương mặt thất thần của những số phận kém may mắn khiến ai đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh cũng cảm thấy nặng trĩu. Song, điều kỳ diệu, những bác sĩ, ĐD bằng tình thương, sự hy sinh lặng thầm hàng ngày hàng giờ, đã đưa những con người không bình thường ấy có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường.

Khoa Điều trị Nội trú cửa luôn được khóa cẩn thận, vì người bệnh có thể phát bệnh bất cứ lúc nào và gây nguy hiểm cho bản thân và cả y bác sĩ. Hơn 40 BN đang điều trị nội trú tại bệnh viện thì đến hơn phân nửa không có người thân chăm nuôi.

ĐD Nguyễn Minh Phát (Khoa Điều trị nam) tâm sự: “BN có khi đang bình tĩnh nhưng lại kích động, bực bội khó chịu nên việc chăm sóc nhiều khi cũng rất là khó. Chuyện y, bác sĩ ở đây bị hành hung… cũng thường. Có khi đang chích thuốc, BN nắm áo, xé áo. Tâm lý y, bác sĩ ở đây thường phải quan sát BN để phòng vệ. Mình được chăm sóc BN từ khi họ bệnh rất nặng đến khi họ khỏe, có thể về nhà, hòa nhập được với cộng đồng thì rất là hạnh phúc”.

Gần 10 năm làm ĐD chăm sóc BN tâm thần, ĐD Nguyễn Thị Nhung tâm sự: “Cho BN uống thuốc, ăn uống, cắt móng tay, móng chân, cắt tóc, cạo râu thậm chí tắm cho BN… là việc thường làm tại bệnh viện. Tới giờ uống thuốc, mình phải phát tận tay, đứng coi và kiểm tra xem BN có uống thuốc chưa. Nhiều khi BN lên cơn không còn nhận thức được bản thân ngoài việc hò hét, đập phá, có khi tiêu tiểu tại chỗ thì phải lau dọn, phải dịu ngọt khuyên BN. Có BN bị bệnh mãn tính, 1 năm vô viện mấy lần. Y, bác sĩ như người thân”.

“Blouse trắng” thầm lặng chăm sóc sức khỏe người bệnh

Tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (BVĐK Vĩnh Long), mọi sự chăm sóc cho BN, từ thực hiện các kỹ thuật y tế đến vệ sinh cá nhân, dinh dưỡng, xoay trở người bệnh đều do ĐD làm. Trong quá trình phối hợp, thực hiện các phác đồ điều trị, ĐD theo dõi sát sao diễn tiến BN, từ những dấu hiệu sinh tồn, cận lâm sàng để kịp thời trao đổi với bác sĩ. Mỗi ngày 2 lần, người nhà được vào phòng bệnh thăm người thân. Các ĐD vừa tư vấn về tình trạng BN, vừa động viên thân nhân đồng hành nhân viên y tế chăm lo cho BN. Một số trường hợp vô gia cư hay đến từ các trung tâm bảo trợ xã hội phụ thuộc hoàn toàn vào ĐD.

Như trường hợp của ông Nguyễn Đức Tuấn (52 tuổi, TP Vĩnh Long) được người đi đường đưa vào bệnh viện do bị ngất xỉu khi đi bán vé số. Ông được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc vì bị viêm phổi nặng, suy hô hấp và tăng huyết áp. “Ở bệnh viện, dù không có người thân, không tiền nhưng tui được các bác sĩ điều trị bệnh, ĐD chăm sóc chu đáo tận tình còn hơn cả ruột rà. Tui mang ơn rất nhiều”.

ĐD Nguyễn Thị Huyền Trang (Khoa Hồi sức tích cực chống độc BVĐK Vĩnh Long) tâm sự: “Trước các ca bệnh tiên lượng xấu, bác sĩ và ĐD luôn đồng lòng cố gắng làm mọi cách để giúp BN qua cơn nguy kịch. Khi tình trạng bệnh cải thiện, BN chắc chắn đã được cứu sống, cũng chính là niềm vui để các thầy thuốc vượt qua áp lực và tiếp tục làm việc”.

Phòng Hồi sức sơ sinh (Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long)- chăm sóc BN là những trẻ sinh non, yếu ớt nên vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn tại đây đặc biệt được chú trọng. Người nhà BN không được vào chăm sóc, vì vậy tất cả mọi công việc điều trị, chăm sóc BN như truyền dịch, truyền thức ăn cho trẻ, tắm, thay tã… đều do các bác sĩ, ĐD chia nhau chăm chút theo dõi từng chuyển biến của các bé không kể ngày hay đêm.

“Thời gian chăm sóc bé sinh non thường kéo dài nên các bác sĩ, ĐD thương, chăm sóc thật kỹ các con như người cha, người mẹ chăm con của mình. Rời bụng mẹ, có những bé chỉ nặng 1kg phải nằm trong lồng ấp, xung quanh là dây nhợ nối với các loại máy móc, thiết bị. Từ sự nâng niu, chăm sóc của nhân viên y tế chúng tôi, chứng kiến từ lúc đỏ hỏn, bé tí ti rồi cứng cáp hơn, bú được... và xuất viện là niềm hạnh phúc với nghề mình chọn”- ĐD Nguyễn Thanh Loan chia sẻ.

Không phải là người quyết định phác đồ điều trị, nhưng chính các ĐD là người kiên nhẫn từng ngày, từng giờ sát cánh bên người bệnh, nâng niu từng nhịp thở, quan sát “nhất cử nhất động” của BN. Do đó, khi có các diễn biến bất thường, họ thông tin đến các bác sĩ để kịp thời điều chỉnh và thay đổi phác đồ, góp phần tăng hiệu quả điều trị, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục. Đó là phần thưởng lớn nhất giúp mỗi ĐD thêm năng lượng tích cực, tiếp tục gắn bó công việc đầy ý nghĩa.

BS.CK2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc BVĐK Vĩnh Long, chia sẻ: ĐD là lực lượng trực tiếp chăm sóc người bệnh, là cầu nối giữa bác sĩ và người bệnh trong quá trình điều trị, phục hồi chức năng và giáo dục sức khỏe. Các anh, chị là những người đầu tiên tiếp xúc và đồng hành cùng BN từ lúc nhập viện đến khi hồi phục trở về. Chính trong những khoảnh khắc ấy, một nụ cười nhẹ nhàng, một lời động viên, một ánh mắt chia sẻ đã giúp BN thêm niềm tin và hy vọng. Trong năm qua, đội ngũ ĐD của bệnh viện đã không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao chuyên môn, cải thiện kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ và tinh thần trách nhiệm, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh