Thưa bác sĩ, con tôi năm nay được 6 tuổi nhưng ban đêm thường hay bị tiểu dầm, xin hỏi bác sĩ tình trạng tiểu dầm của con tôi có gì bất thường so với độ tuổi hay không?
Nguyễn Thị Tuyết Nga
(Xã Tân Long, huyện Mang Thít)
Trả lời:
Tiểu dầm là tình trạng tiểu không ý muốn xảy ra lúc ngủ. Có khoảng 50% trẻ em vẫn còn tiểu dầm ở tuổi lên 3 và 15% vẫn kéo dài tình trạng này khi đã hơn 10 tuổi. Và vấn đề cần quan tâm để xem xét điều trị là khi bé tiểu dầm sau 7 tuổi.
Ở trẻ, tiểu dầm do xáo trộn tâm lý như căng thẳng, lo lắng khi đi học, bị bạn bè trêu chọc… là nguyên nhân khá thường gặp. Ngoài ra, đồ ăn thức uống gây phản ứng liên quan đến việc lưu giữ chất lỏng dẫn đến cơn khát nên trẻ uống nhiều hơn và đi tiểu nhiều hơn.
Nhiều khi trong giấc mơ, trẻ thấy mình vào toilet để tiểu nhưng sáng hôm sau lại ú ớ không hiểu vì sao mình nằm trên một vũng ướt nhẹp. Không loại trừ khả năng bé tiểu dầm là do đang có một số vấn đề về thận, rối loạn hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, hệ thống thần kinh kích thích bàng quang hoạt động quá mức. Để loại trừ nguyên nhân bị nhiễm trùng, cần xét nghiệm nước tiểu. Kiểm tra các cơ quan tiết niệu để phát hiện ra các dị tật nếu có.
Cần xử trí như thế nào: Chính bản thân bé cũng biết được rằng tiểu dầm là đáng xấu hổ nên điều bạn cần lưu ý nhất là không nên la mắng bé. Thay vào đó hãy thực hiện những lời khuyên sau:
- Khen ngợi nếu bé khô ráo sau một đêm.
- Không cho bé uống nhiều nước trước khi ngủ 2 giờ.
- Cho trẻ đi tiểu trước khi đi ngủ.
- Hạn chế đồ uống có caffeine như: trà, cola, ca cao, nước tăng lực…
- Ban ngày, tập cho bé tự rèn luyện để bàng quang thực hiện nhiệm vụ chứa nước tốt hơn, bằng cách chỉ xả nước sau khoảng từ 2-4 tiếng.
- Nếu trẻ hay tiểu dầm vào một giờ xác định trong đêm, bạn có thể đặt đồng hồ báo thức để giúp bé thức dậy đi tiểu. Thói quen được lặp đi lặp lại sẽ giúp bé có phản xạ.
BS PHAN GIA HOÀNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin