Theo Bộ Y tế, bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh. Hiện, bệnh sởi ghi nhận nhiều ca mắc là người trưởng thành, đã có trường hợp tử vong.
![]() |
Bệnh nhân mắc bệnh sởi điều trị tại Khoa Nhiễm, BVĐK Vĩnh Long (ảnh chụp ngày 15/4). |
Đã ghi nhận ca tử vong sởi người lớn
Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo, bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh sởi. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.
Mới đây, Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận ca tử vong sởi người lớn đầu tiên trong năm nay.
Bệnh nhân tử vong mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường. Bệnh nhân nhập viện khi đã có biến chứng phổi nặng, phải lọc máu và chạy ECMO. Sau 2 tuần điều trị bệnh nhân không qua khỏi.
Hiện, mỗi ngày Viện Y học nhiệt đới tiếp nhận khoảng 10-20 người lớn mắc sởi với các triệu chứng sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Song, nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não- màng não. Phần lớn đều chưa được tiêm ngừa hoặc trước có tiêm ngừa sởi nhưng không tiêm nhắc lại. Các trường hợp mắc sởi thường từ 30-50 tuổi và chủ quan không nghĩ là bản thân mắc sởi nên khi vào viện thì bệnh đã nặng.
Tại Khoa Nhiễm, BVĐK Vĩnh Long, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận 85 ca mắc sởi người lớn. Chị V.T.B.T. (35 tuổi, huyện Mang Thít) cho biết: “Ban đầu, tôi bị ho, sốt thông thường nhưng ngày càng mệt mỏi, kiệt sức. Tôi rất bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sởi, cứ tưởng đây là bệnh của trẻ con”, chị T. chia sẻ.
Theo BS Nguyễn Hồng Thắm- Khoa Nhiễm, BVĐK Vĩnh Long, bệnh sởi không chừa một ai và tất cả người trưởng thành chưa từng bệnh, chưa tiêm ngừa vaccine sởi đầy đủ đều có nguy cơ mắc sởi khi tiếp xúc với virus.
Nhiều người chủ quan cho rằng sởi chỉ là bệnh nhẹ, sẽ tự khỏi sau vài ngày. Song, thực tế bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Dù là người lớn hay trẻ em, khi mắc sởi đều có thể trở nặng nếu có sẵn bệnh nền. Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi rất dễ sẩy thai. Do đó cần tiêm ngừa trước khi có kế hoạch sinh con. Khi có triệu chứng sốt, phát ban, ho kéo dài, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Khuyến cáo phòng bệnh đối với nhóm có nguy cơ cao
“Hầu hết các ca bệnh sởi ở người lớn điều trị tại khoa ít được quan tâm do lầm tưởng chỉ trẻ nhỏ mới mắc sởi, do đó không ít ca có biến chứng viêm phổi. Những người chưa từng mắc sởi, chưa được tiêm vaccine hoặc đã tiêm nhưng miễn dịch đã suy giảm, đều có nguy cơ cao. Đối với người lớn, khi hệ miễn dịch giảm thì cũng cần được tiêm nhắc lại. Nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng, cần tiêm nhắc lại vaccine sởi- quai bị- rubella”- BS Hồng Thắm cho biết.
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi, hạn chế các trường hợp nặng tử vong, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi với nhóm có nguy cơ cao diễn biến nặng liên quan đến sởi.
Người có nguy cơ cao (người có bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi), nhất là những người không rõ tiền sử tiêm chủng và chưa từng mắc sởi nên chủ động tiêm vaccine phòng sởi.
Người có nguy cơ cao khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng của bệnh. Hạn chế tiếp xúc với những trường hợp mắc sởi hoặc nghi mắc sởi, nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần mang khẩu trang và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Tăng cường vệ sinh thân thể, mũi họng, giữ ấm, nâng cao thể trạng để tăng cường sức đề kháng phòng bệnh sởi. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ thông thoáng môi trường nơi làm việc, học tập, sinh hoạt; vệ sinh thường xuyên các bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc, học tập.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin