(VLO) Thời gian qua ngành y tế Vĩnh Long nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt là phát triển kỹ thuật chuyên sâu. Đồng thời, nâng cao trình độ, trách nhiệm, y đức của người thầy thuốc là mục tiêu được tỉnh thực hiện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện của người dân.
Kỳ 1: Y tế cơ sở từng bước làm chủ kỹ thuật cao
Cùng với bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ, nhiều kỹ thuật mới, phương pháp y học tiến bộ đã được ngành y tế Vĩnh Long triển khai thành công tại các bệnh viện. Đặc biệt, các trung tâm y tế (TTYT) huyện có thể làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu, giúp người bệnh được hưởng y tế chất lượng ngay tại cơ sở. Nhờ đó, hệ thống y tế cơ sở không những giữ chân được bệnh nhân (BN) tại địa phương mà còn thu hút người bệnh các địa bàn lân cận.
![]() |
Số người khám ngoại trú có ngày trên 1.200 lượt, Khoa Khám bệnh Trung tâm Y tế huyện Tam Bình vẫn đảm bảo tiêu chuẩn thời gian, đáp ứng nhu cầu khám của người dân. |
Đưa kỹ thuật thận nhân tạo về tuyến huyện
Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, tập thể cán bộ y bác sĩ, nhân viên TTYT huyện Tam Bình từng bước nâng cao trình độ chuyên môn rèn luyện y đức, nâng tầm chất lượng khám điều trị.
Đơn vị đã có những bước tiến trong ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đồng thời được đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến, góp phần cứu sống hàng ngàn BN mỗi năm.
Theo BS.CK2 Bùi Thanh Tùng- Giám đốc TTYT huyện Tam Bình, nhiều trang thiết bị như hệ thống xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, nội soi cũng được đầu tư đồng bộ góp phần phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh thăm hỏi bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình. |
Đặc biệt, trung tâm vừa triển khai đưa vào hoạt động Đơn nguyên lọc máu (Thận nhân tạo) triển khai lắp đặt tại Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc với 10 máy chạy thận nhân tạo cùng hệ thống xử lý nước RO, tổng kinh phí đầu tư hơn 7,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Qua đó, giúp nhiều người mắc bệnh suy thận mãn được điều trị tại tuyến y tế địa phương.
“Đây là kỹ thuật khó, trung tâm cử bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên khoa ngoại thận- tiết niệu đi đào tạo kỹ thuật tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và BVĐK Vĩnh Long.
Với 10 máy lọc thận, trung tâm sẽ tiến hành lọc máu cho khoảng 30 BN suy thận mãn giai đoạn cuối tại địa phương và các huyện lân cận.
Qua đó, không chỉ góp phần giảm chi phí, thời gian đi lại mà quan trọng là sức khỏe của người bệnh được đảm bảo hơn khi không phải mất thời gian di chuyển xa trong mỗi lần điều trị”- BS Thanh Tùng cho biết.
Là một trong những BN đầu tiên chuyển chạy thận nhân tạo từ BVĐK Vĩnh Long đến TTYT huyện Tam Bình, chị Đỗ Thị Hữu Danh (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) cho biết: “4 năm trước, tui được chẩn đoán suy thận mãn tính và phải chạy thận. Tuần 3 lần, tui đi xe máy hơn 45 cây số để đến bệnh viện.
Thời gian đi, về và chạy thận là hơn 6 giờ đồng hồ. Nay được về bệnh viện Tam Bình chạy thận, gần nhà hơn, tui mừng dữ lắm”.
![]() |
Trung tâm Y tế huyện Mang Thít được tỉnh đầu tư một số thiết bị y tế hiện đại như máy CT nên trung tâm thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng giúp chẩn đoán và điều trị tại chỗ cho bệnh nhân mà không cần chuyển tuyến trên. |
Gần 3 năm, chị Lê Thị Tình (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) bị suy thận phải chạy thận nhân tạo tại BVĐK Vĩnh Long để kéo dài sự sống. “Các y, bác sĩ thăm khám, dành nhiều thời gian chăm sóc chu đáo từng BN trong quá trình lọc máu, hướng dẫn ăn uống, sinh hoạt phù hợp với người suy thận. Chị rất mừng khi kỹ thuật này được thực hiện tuyến huyện, thuận lợi cho người bệnh”- chị Tình cho biết.
BS Bùi Tấn Phát- phụ trách Đơn nguyên lọc máu cho biết: “Người mắc bệnh thận rất khổ, sức khỏe ngày càng suy yếu, phát sinh nhiều biến chứng và các bệnh lý khác. Bởi thế, y bác sĩ rất đồng cảm với BN, cố gắng theo dõi điều trị tốt nhất cho người bệnh”.
Lấy người bệnh làm trung tâm
Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, thời gian qua TTYT huyện Mang Thít không ngừng thúc đẩy đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu cải tiến thủ tục hành chính, quy trình KCB và chuyển đổi số để giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Đặc biệt, năm 2024, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, triển khai dịch vụ kỹ thuật mới, xây dựng môi trường y tế xanh- sạch- đẹp, TTYT huyện Mang Thít được công nhận bệnh viện hạng 2, là địa chỉ tin cậy của người bệnh.
Khi đến khám bệnh, người dân chỉ mất vài giây để quẹt thẻ BHYT hay CCCD là nhận được số khám bệnh, có nhân viên hướng dẫn lên phòng khám gặp bác sĩ. Bà Lê Thị Thu Ba (74 tuổi, xã Quới An, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Nhân viên hướng dẫn đăng ký khám rất nhanh chóng, nên có khi con cháu hổng rảnh bà đi khám mình ên cũng được.
Bà khám huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu cao, thấy bác sĩ vui vẻ, làm việc tận tình. Nếu tới kỳ cần xét nghiệm lại thì kỳ khám này bác sĩ ghi vô đơn thuốc là tới tháng sau bà đi thẳng xuống khoa xét nghiệm lấy máu trước rồi có kết quả đưa bác sĩ coi khám. Nhờ vậy mà các BN như bà hổng phải nhịn đói chờ khám lâu”.
Theo BS.CK2 Bùi Thanh Tuấn- Giám đốc TTYT huyện Mang Thít, trung tâm còn đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nâng cao tay nghề chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sĩ nhờ đó năng lực chuyên môn của đội ngũ y tế không ngừng được nâng cao mang lại chất lượng KCB tốt hơn cho người dân.
Cụ thể, thời gian qua số lượt CT Scanner tăng 51%, điện não đồ tăng 45%, nội soi tăng 95%, và các kỹ thuật siêu âm cũng được thực hiện với số lượng đáng kể.
Đặc biệt, trung tâm đã triển khai 5 kỹ thuật mới, bao gồm siêu âm tim mạch máu, soi cổ tử cung, xét nghiệm sàng lọc Pap smear tầm soát ung thư cổ tử cung, và siêu âm Doppler tim.
BS.CK1 Nguyễn Thanh Quyền- Khoa Xét nghiệm Chẩn đoán hình ảnh và Kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết: “Chúng tôi được đưa đi học chuyên sâu về siêu âm tim tại bệnh viện tuyến trên.
![]() |
Cơ sở vật chất hiện đại, xanh, sạch, đẹp, thái độ phục vụ ân cần, tận tụy với người bệnh. |
Bằng phương pháp này, bác sĩ có thể chẩn đoán, tầm soát các bệnh lý tim mạch. Tôi sẽ tiếp tục học thêm kinh nghiệm trong khám lâm sàng và cận lâm sàng giúp người dân được thụ hưởng chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất ngay tại địa phương mà không phải di chuyển lên tuyến trên”.
Cô Lê Thị Kim Thâu (TT Cái Nhum) cho biết: “2 bữa trước cô mệt nhiều, huyết áp tăng nên đi khám được bác sĩ cho nhập viện luôn. Nay cô được đưa xuống để siêu âm tim, bác sĩ nói bị hẹp hở van tim và đưa ra hướng điều trị tiếp”.
Đến nay, TTYT huyện Tam Bình, TTYT huyện Mang Thít có thể làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu, giúp người bệnh không cần phải đi xa. Những điều đó có được chính nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của ngành y tế Vĩnh Long trong việc nâng chất y tế cơ sở với nhiều giải pháp đồng bộ thiết thực, góp phần xây dựng vững chắc thành trì chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Giám đốc Sở Y tế Hồ Thị Thu Hằng cho biết, nâng cao chất lượng KCB cho người bệnh ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị thì yếu tố con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Những năm qua các TTYT luôn chú trọng công tác bồi dưỡng đào tạo cán bộ nâng cao tay nghề cho đội ngũ y bác sĩ.
Hàng năm đều có cán bộ tham gia theo học các lớp để nâng cao tay nghề nắm vững chuyên môn tiếp cận những tiến bộ mới để triển khai và áp dụng tại trung tâm.
Đồng thời, việc giao tiếp ứng xử giữa thầy thuốc và người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Từ đó tạo niềm tin cho người dân trên địa bàn đến thăm khám và điều trị hạn chế tình trạng chuyển tuyến giảm tải cho tuyến tỉnh.
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin