![]() |
Các bác sĩ khoa sản, BVĐK tỉnh Vĩnh Long đã cứu sống thành công mẹ con sản phụ nhau bong non, vỡ tử cung. . |
Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Khoa Sản BVĐK tỉnh Vĩnh Long cấp cứu thành công được nhiều sản phụ bệnh nặng: tiền sản giật nặng- sản giật, phù phổi cấp, nhau bong non, vỡ tử cung, thai ngoài tử cung vỡ- shock (thai bám tại thành trái trực tràng)... đem lại niềm vui “mẹ tròn con vuông”. Đặc biệt, với những ca bệnh nặng, luôn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ê kíp, các chuyên khoa để đảm bảo điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.
Cứu mẹ con sản phụ nhau bong non, vỡ tử cung
Ngày 5/2, thông tin từ BVĐK tỉnh Vĩnh Long, y bác sĩ các khoa: sản, nhi, gây mê hồi sức của bệnh viện phối hợp chặt chẽ, phẫu thuật cấp cứu thành công một sản phụ bị nhau bong non, vỡ tử cung trên vết mổ cũ; đồng thời cứu sống bé sơ sinh non tháng, nặng chỉ 900g.
Sản phụ được cứu thành công là P.T.B. (32 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Chị B. nhập viện trong tình trạng nguy cấp, tiền sử y khoa ghi nhận sản phụ đã từng mổ lấy thai vào năm 2022 và mổ nội soi thai ngoài tử cung khoảng 7-8 năm trước nhưng không rõ phương pháp phẫu thuật.
Khi vào viện, sản phụ tỉnh táo nhưng sức khỏe biểu hiện bất thường, huyết áp 110/70 mmHg, mạch 90 lần/phút, bụng gò cứng, đau liên tục, có phản ứng thành bụng rõ rệt, tim thai nghe khó…
Sau thăm khám, bác sĩ trực khoa sản chẩn đoán con lần 2, thai 27 tuần 1 ngày, nhau bong non nghi vết mổ cũ có nguy cơ vỡ tử cung nên lập tức báo cáo lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện để hội chẩn khẩn cấp.
Ngay sau khi giải thích tình trạng nguy hiểm với người nhà, sản phụ được chuyển thẳng đến phòng mổ để tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Khi mở ổ bụng, ê kíp phẫu thuật phát hiện có máu cục và máu loãng tràn ổ bụng với số lượng lớn, nhau thai bong khoảng 50%. Đặc biệt, vùng sừng phải tử cung có vết rách dài 4cm đang chảy máu nghiêm trọng.
Các bác sĩ nhanh chóng mổ lấy thai, khâu phục hồi và bảo tồn tử cung. Trong suốt ca mổ, sản phụ mất khoảng 1.000ml máu và được truyền 2 đơn vị hồng cầu lắng cùng nhóm máu.
Do chào đời khi mới 27 tuần tuổi, bé sơ sinh chỉ nặng 900g và bị ngạt do vỡ tử cung, sau sinh tím tái, không khóc, tim rời rạc và không có phản xạ.
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cực cho bé ngay tại phòng mổ. Bé được hút đàm nhớt, đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn và tiêm thuốc vận mạch. Sau thời gian hồi sức, bé đã hồng hào trở lại và có những phản xạ đầu tiên.
Nhận thấy bé cần được chăm sóc đặc biệt, các bác sĩ nhanh chóng chuyển bé đến phòng hồi sức khoa nhi để tiếp tục theo dõi và điều trị. Tại đây, sau gần 30 phút hồi sức tích cực, kết hợp cùng ủ ấm, hỗ trợ hô hấp bằng thở máy, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm qua tĩnh mạch rốn để truyền dịch và thuốc, sinh hiệu bé đã ổn định. Hiện tại sản phụ cũng đã tỉnh, niêm hồng, sinh hiệu ổn, bụng mềm, tử cung gò chắc, vết mổ khô.
BS.CK2 Trần Mỹ Dung- Trưởng Khoa Sản BVĐK tỉnh Vĩnh Long, cho biết, trường hợp sản phụ P.T.B. là trường hợp nguy hiểm, đã được chẩn đoán sớm, xử trí tích cực, cứu sống được mẹ và con.
Cấp cứu thành công sản phụ sản giật nặng
Tối mùng 1 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, BVĐK Vĩnh Long tiếp nhận cấp cứu một trường hợp sản giật nặng. Đó là sản phụ N.T.K. (34 tuổi, ngụ tại huyện Long Hồ) với tình trạng co giật toàn thân, lơ mơ, hỏi không trả lời, phù hai chân, huyết áp tăng cao 200/100mmHg. Sản phụ được siêu âm ổ bụng tại giường, kết luận dịch màng phổi hai bên lượng ít, dịch màng ngoài tim lượng ít, lòng tử cung có một thai sống, tim thai: 73 lần/phút.
Ngay sau khi tiếp nhận sản phụ, xác định tình trạng nặng, nguy kịch, ê kíp trực tại khoa cấp cứu nhanh chóng xử trí cấp cứu bước đầu dùng thuốc kiểm soát huyết áp, điều trị cơn co giật. Đồng thời, bác sĩ cấp cứu tiến hành hội chẩn khẩn với bác sĩ trực khoa sản, hội chẩn lãnh đạo khoa sản, trực lãnh đạo bệnh viện.
Với chẩn đoán suy thai cấp/sản giật- tràn dịch đa màng- TD phù phổi cấp (OAP)- TD suy tim/con lần 2, thai 34 tuần 6 ngày, chưa chuyển dạ/vết mổ cũ, sản phụ được chỉ định mổ cấp cứu khẩn cấp.
Ca phẫu thuật diễn ra kịp thời, tính mạng sản phụ và thai nhi được bảo toàn, bé trai chào đời với cân nặng 2.300g. Sau phẫu thuật, sản phụ tiếp tục được điều trị và theo dõi tại phòng hồi sức, bé được chuyển lên khoa nhi tiếp tục điều trị. Đến nay, sức khỏe hai mẹ con sản phụ đều ổn định.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo các sản phụ hãy tiến hành khám và quản lý thai nghén chặt chẽ tại các cơ sở y tế uy tín để sớm phát hiện những bất thường về sức khỏe. Từ đó có những phương án đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi. Đặc biệt, tiền sản giật được tầm soát từ quý I của thai kỳ, nếu có nguy cơ cao thai phụ sẽ được dự phòng tiền sản giật, giúp mang lại hiệu quả giảm tỷ lệ tiền sản giật, giảm các biến chứng cho mẹ và thai nhi.
“Vỡ tử cung, nhau bong non là những tai biến sản khoa, đe dọa tính mạng sản phụ và thai nhi nếu không được xử trí kịp thời. Vì vậy, các sản phụ cần bổ sung thêm nhiều thông tin về thai kỳ cũng như các dấu hiệu nguy hiểm để có một thai kỳ khỏe mạnh; đặc biệt lưu ý đến các trường hợp có sẹo mổ cũ trên thân tử cung (mổ bắt con, mổ bóc nhân xơ tử cung, mổ thai ngoài tử cung đặc biệt có xén góc sừng). Khuyến khích mọi người nên nắm rõ tình trạng sức khỏe bản thân, tiền sử phẫu thuật, giữ lại các thông tin, giấy tờ y khoa cần thiết để cung cấp thông tin chính xác cho nhân viên y tế, hỗ trợ quá trình điều trị”, BS Trần Mỹ Dung cho biết. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin