(VLO) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cập nhật vào cơ sở dữ liệu về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tăng cường truyền thông về bảo đảm ATVSTP, tập trung vào các giải pháp phòng ngừa và các chế tài xử phạt, thanh tra, kiểm tra.
Vĩnh Long tăng cường công tác kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long- Trưởng BCĐ liên ngành Trung ương về ATVSTP tại cuộc họp của BCĐ về tổng kết công tác năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Nghiên cứu tăng mức phạt về vi phạm an toàn thực phẩm
Theo Bộ Y tế, năm 2024, ngành y tế kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về ATVSTP, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra. Số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, số tiền phạt tăng 1,69 lần.
Các lực lượng công an đã khởi tố 62 vụ (tăng gần 88%) với 97 bị can (tăng hơn 185%). Với thương mại điện tử, hình thức kinh doanh online không có địa điểm kinh doanh cố định, tính ẩn danh, danh không thực, điều này gây ra nhiều khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm...
Theo Bộ Y tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATVSTP tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATVSTP.
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải; từ Trung ương đến địa phương có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Song, Bộ Y tế cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm ATVSTP mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng, số lượng các vụ vi phạm ATVSTP gia tăng, số người mắc còn lớn. Do đó, năm 2025, cần tập trung hơn nữa cho công tác phòng ngừa; tăng cường kiểm tra, giám sát và khi phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm; công tác tuyên truyền phải toàn diện hơn, đặc biệt là về chế tài và việc xử phạt để mang tính răn đe.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản liên quan về tăng chế tài xử phạt. Các cơ quan chức năng, địa phương tập trung triển khai tốt các công tác đảm bảo ATVSTP dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền về chế tài xử phạt để thay đổi nhận thức của người dân; cần xác định công tác phát hiện, ngăn ngừa, xử lý hình sự về ATVSTP là công tác trọng tâm, đột phá để răn đe, làm giảm tội phạm ATVSTP.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, tuyên truyền là giải pháp căn cơ, nhất là trong việc thay đổi nhận thức của người dân, nhưng cũng cần nâng mức phạt hơn nữa để tăng tính răn đe. Bộ Y tế đã xây dựng cơ sở dữ liệu về ATVSTP, đồng thời mong muốn, các bộ, ngành thành viên BCĐ cập nhật dữ liệu vào hệ thống này.
Vĩnh Long tăng cường kiểm tra, giám sát
Tại Vĩnh Long, công tác bảo đảm ATVSTP được phối hợp thực hiện và đã cơ bản kiểm soát được vấn đề này. Theo đó, năm 2024, các ngành, địa phương tỉnh Vĩnh Long tổ chức 519 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATVSTP theo kế hoạch và các đợt đột xuất tại trên 10.100 cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố.
Trong đó, số cơ sở đạt là 9.069 cơ sở, chiếm gần 90%; số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 76 cơ sở, với số tiền xử phạt trên 327 triệu đồng.
Theo BS.CK2 Lê Thị Tuyết Nhung- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, các hoạt động kiểm tra, hậu kiểm tra được thực hiện với nhiều hình thức như theo kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất.
Trong quá trình kiểm tra, chú trọng đến việc lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, lý, hóa để tìm ra mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Kiên quyết xử lý và công bố tên, địa chỉ những cơ sở sai phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Giám đốc Sở Y tế Hồ Thị Thu Hằng- Phó Trưởng BCĐ liên ngành về ATVSTP tỉnh, cho biết trong năm 2025 sẽ thực hiện phân công, phân cấp các ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về ATVSTP; tăng cường quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm ATVSTP.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác đảm bảo ATVSTP, cũng như đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra toàn diện trên tất cả các lĩnh vực quản lý của các ngành, địa phương, trong đó tập trung vào những nội dung, vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong đời sống xã hội.
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin