(VLO) Tại Hội thảo y tế vùng vừa diễn ra tại Vĩnh Long, 31 tỉnh, thành phố (thuộc vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng Duyên hải Trung Bộ) thảo luận và ký kết bản đồng thuận xây dựng mạng lưới phòng, chống ung thư (UT) cấp vùng, tạo nền tảng để cải thiện hệ thống y tế và chất lượng cuộc sống người dân trong giai đoạn mới.
Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và hợp tác vùng” tại Vĩnh Long. |
Xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư quy mô vùng
Với chủ đề “Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và hợp tác vùng” hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề nóng trong lĩnh vực y tế cần được quan tâm nhất hiện nay.
Qua đó, đẩy mạnh sự hợp tác giữa ngành y tế TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong việc phổ cập các kỹ thuật điều trị tiên tiến, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, nâng cao năng lực điều trị tại chỗ. Đồng thời phát triển các cơ chế phối hợp giữa các địa phương nhằm đảm bảo người dân tại vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao với chi phí hợp lý.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề về thực trạng năng lực y tế cơ sở của các địa phương, các giải pháp triển khai mô hình bác sĩ gia đình, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh…
Đặc biệt, đại diện sở y tế 31 tỉnh, thành phố đã trao đổi, thảo luận và ký kết bản đồng thuận về xây dựng và phát triển mạng lưới phòng, chống UT quy mô vùng. Các tỉnh, thành sẽ triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống UT giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống cho người bệnh UT trong khu vực.
Nội dung và kế hoạch việc ký kết nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới phòng chống UT vùng là cần thiết, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống cho người bệnh UT trong khu vực.
Mạng lưới có ý nghĩa chăm sóc người bệnh từ lúc tầm soát sớm ở giai đoạn chưa có triệu chứng, phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ UT, chẩn đoán bệnh lý UT chính xác, kịp thời, điều trị đa mô thức… cho đến chăm sóc giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ tại cộng đồng.
Các địa phương xây dựng mạng lưới phòng chống UT theo 3 cấp chuyên môn kỹ thuật gồm cấp ban đầu, cấp cơ bản, cấp chuyên sâu.
Bên cạnh đó, sở y tế mỗi tỉnh, thành căn cứ mô hình bệnh tật và tình hình thực tế tại địa phương, chủ động xác định cấp chuyên môn kỹ thuật cần củng cố và phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Xây dựng kế hoạch và những hoạt động cần triển khai cụ thể theo từng cấp chuyên môn kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực điều trị UT của cơ sở khám, chữa bệnh, bao gồm củng cố, hoàn thiện năng lực của các cơ sở khám, chữa bệnh; đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên khoa UT…
Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở
Tại hội thảo, sở y tế các tỉnh, thành phố cùng nhau phối hợp đề xuất, kiến nghị Bộ Y tế cho phép hình thành mạng lưới phòng, chống UT quy mô vùng và có các cơ chế, chính sách giúp mạng lưới hoạt động hiệu quả.
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết, thời gian qua, ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực thực hiện đạt các chỉ tiêu theo nghị quyết của HĐND tỉnh như: đạt 10,3 bác sĩ/1 vạn dân, 31,9 giường bệnh/1 vạn dân, 100% trạm y tế có bác sĩ và triển khai khám, chữa bệnh BHYT, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em là 7,84%...
Ngành y tế tỉnh đã thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút đội ngũ y tế, đồng thời triển khai Đề án Phát triển BVĐK tỉnh Vĩnh Long trở thành bệnh viện hạng I năm 2022 và bệnh viện tuyến cuối khu vực vào năm 2024, qua đó triển khai được các kỹ thuật chuyên sâu, góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám và chữa bệnh cho người dân.
Đặc biệt, ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả y tế cơ sở như đào tạo nâng cao tay nghề chuyên môn; chính sách điều chuyển về vùng sâu, vùng xa, thu hút nhân lực từ nơi khác về; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế…
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng cho rằng, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp và đạt kết quả tích cực, song kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng như mong đợi của người dân.
“Do đó, mục tiêu lâu dài của ngành y tế tỉnh Vĩnh Long là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, nhất là y tế cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh.
Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng- Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc ký kết hợp tác, phát triển giữa sở y tế các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng Duyên hải Trung Bộ không chỉ đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao kỹ thuật giữa các BVĐK, chuyên khoa ở TP Hồ Chí Minh và các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc các vùng này mà còn tăng cường chia sẻ ý tưởng, cách làm và đồng thuận các giải pháp giúp cho sự phát triển hệ thống y tế trên địa bàn được thống nhất, đồng bộ, thuận lợi hơn hướng đến mục tiêu cuối cùng là chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn.
“Đây sẽ là tiền đề, cơ hội để phát huy nguồn lực của từng địa phương, cùng nhau phối hợp hỗ trợ chuyên môn theo nhu cầu của các địa phương và đề xuất các cơ chế, chính sách giúp cho mạng lưới hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị UT và chất lượng cuộc sống người dân”- Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết.
Bài, ảnh: QUYÊN PHONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin