Hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. |
Theo bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (TL), thuộc Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có 104.300 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến TL. Trong đó, hút TL thụ động gây ra 18.800 ca tử vong.
Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của TL, trong hơn 10 năm qua, tỷ lệ phơi nhiễm với khói TL thụ động đã giảm tại hầu hết các địa điểm. Kết quả điều tra tình hình sử dụng TL ở người trưởng thành năm 2023 đã giảm đáng kể so với năm 2010, như tại nơi làm việc (giảm từ 55,9% xuống 23%); trên phương tiện giao thông công cộng (giảm từ 34,4% xuống 19%); tại gia đình (giảm từ 73,1% xuống 45,6%)...
Kết quả này cho thấy ý thức tuân thủ quy định cấm hút TL trong cộng đồng đã có chuyển biến tích cực, đây cũng là một trong những kết quả bền vững trong công tác phòng, chống tác hại của TL tại nước ta.
Tuy nhiên, đến nay tại nước ta, tỷ lệ hút TL cũng như phơi nhiễm với khói TL thụ động còn cao đang tạo ra những gánh nặng bệnh tật và kinh tế. Việc sử dụng TL liên quan đến 25 căn bệnh: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng TL cao.
Theo BS.CK1 Trần Văn Tiền- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, khói TL thụ động chứa hàng ngàn hóa chất, trong đó ít nhất có 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Hút TL thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em, trong đó có cả ung thư.
“Khói TL rất nguy hiểm, là yếu tố nguy cơ cao của nhiều bệnh lý ở khắp các cơ quan trong cơ thể. Trong đó, có những bệnh lý khi đã mắc phải và bộc phát thì việc điều trị thường ít khi còn hiệu quả nữa. Ngày nay, các bằng chứng đã cho thấy không chỉ người hút bị những ảnh hưởng nguy hiểm từ khói TL, mà người hút TL thụ động cũng bị tương tự. Trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em”- BS Trần Văn Tiền nhấn mạnh.
Thực hiện môi trường không khói TL là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Luật Phòng, chống tác hại của TL năm 2013 đã quy định rõ các địa điểm cấm hút TL. Trong đó, các khu vực cấm hút TL hoàn toàn là: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; khu vực trong nhà các nơi công cộng.
Song, việc thực thi luật vẫn còn hạn chế do không đủ người đi kiểm tra, xử phạt, vì vậy, vẫn còn nhiều hành vi hút TL ở những địa điểm bị cấm. TL chứa nhiều chất gây ung thư cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy hãy bỏ hút TL ngay khi có thể, để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và những người xung quanh.
• Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin