Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho học sinh ở tỉnh Vĩnh Long. |
Tại Việt Nam, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ quay trở lại. Đặc biệt, số ca mắc sởi tăng 111 lần so với năm ngoái, đã có 5 trường hợp tử vong. Đây là những thông tin được Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm vừa qua.
Ca mắc sởi tăng hơn 111 lần
Tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Lương Tâm- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Nguyên nhân do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho trẻ em, nhất là bệnh sởi.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi tăng rất nhanh với hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó gần 5.000 ca dương tính. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi bệnh sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần; có 5 trường hợp tử vong liên quan sởi (TP Hồ Chí Minh 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca).
Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Bộ Y tế sẽ xem xét vấn đề tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng như các đối tượng khác để có đề xuất phù hợp. Hiện Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại 31 tỉnh, thành cho trẻ em 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ. Song, vẫn còn một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa đảm bảo tiến độ.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp
Năm 2024, bên cạnh dịch sởi, số mắc ho gà cũng cao hơn 23 lần, với hơn 1.000 ca mắc, 1 ca tử vong. Một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, bạch hầu… đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, số mắc cúm mùa có xu hướng giảm nhưng số tử vong tăng 7 trường hợp (Bình Định 4 ca, Hà Nội 2, Khánh Hòa và Phú Yên mỗi địa phương 1 ca tử vong).
Đặc biệt, trong năm, nước ta ghi nhận một ca mắc bệnh bại liệt ở Đắk Lắk. Từ đầu năm đến nay, chúng ta cũng ghi nhận rải rác các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại các địa phương, với 73 ca mắc, chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Với bệnh than, trong năm cũng ghi nhận 12 ca mắc (Điện Biên 11 ca, Sơn La 1 ca), số mắc giảm 4 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tình hình dịch sởi đang diễn biến rất phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các địa phương được khuyến cáo khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các vùng có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng có điều kiện khó khăn, dân tộc thiểu số,... Tới đây, Bộ Y tế cũng sẽ xem xét vấn đề tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi và các đối tượng khác.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến 24/11, Vĩnh Long có 1.417 ca mắc sốt xuất huyết dengue, so cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5% (1.411 ca). Tay chân miệng có 1.727 ca mắc, so cùng kỳ năm 2023 giảm 39,5% (2.856 ca). Sởi là 108 ca, tăng 100 ca so với cùng kỳ 2023 (8 ca). Đậu mùa khỉ mắc 1 ca. Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin