Trong thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ vị thành niên khi sử dụng có thể vật vã, khó chịu. Ảnh minh họa: Internet |
Mục tiêu cụ thể của Việt Nam trong việc kéo giảm tỷ lệ hút và hít phải khói thuốc lá (TL) trong dân đến năm 2025: giảm tỷ lệ sử dụng TL trong thanh thiếu niên từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 38%; giảm tỷ lệ hút TL thụ động tại nhà dưới 71%. Muốn đạt được mục tiêu này, thì vai trò trường học và gia đình là rất lớn.
Hút thuốc lá có xu hướng tăng trong thanh thiếu niên
Kết quả điều tra về sử dụng TL ở người trưởng thành tại Vĩnh Long hiện vẫn ở mức cao. Theo Sở Y tế, thống kê năm 2019-2020, tỷ lệ hút TL chung ở người trưởng thành trên địa bàn tỉnh là 21,7%, giảm 0,8% so với năm 2012. Trong đó, tỷ lệ nam giới hút TL là 44,4%; nữ giới là 0,5%. Tỷ lệ hút TL điện tử là 1,7%.
“Tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống tác hại TL. Công tác phòng, chống tác hại của TL bước đầu đạt được các kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ sử dụng TL điếu thông thường đã giảm trung bình 0,5% mỗi năm trong nam giới”- TS.BS Hồ Thị Thu Hằng cho biết.
Thời gian qua, Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống tác hại TL góp phần kéo giảm tình hình sử dụng TL như: xây dựng môi trường không khói TL ở các cơ sở y tế, trường học, cơ quan nhà nước, nhà hàng, khách sạn; đưa nội dung phòng, chống tác hại của TL vào chương trình giảng dạy ngoại khóa ở các trường học; đưa quy định không hút TL vào nội quy, quy chế, tiêu chí thi đua, trách nhiệm người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị,… Song, hiện nay việc mua bán, sử dụng TL trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá dễ dàng và phổ biến, nhất là ở những khu vực công cộng; tỷ lệ hút TL có xu hướng tăng trong thanh thiếu niên. Qua đó, số lượng và loại bệnh tật do hút TL, TL điện tử ngày càng tăng, lan rộng, phức tạp và không có điểm dừng.
Để góp phần phòng chống tác hại của TL, thời gian qua, Vĩnh Long tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống tác hại của TL, nhất là trong môi trường học đường, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho học sinh, cộng đồng.
Đẩy mạnh phòng chống tác hại thuốc lá trong học đường
Để tạo môi trường học tập và làm việc trong lành, phong trào “Trường học không khói thuốc” đang được thầy cô giáo, học sinh, sinh viên của các nhà trường thực hiện triệt để. Song, chưa thể chấm dứt hết tình trạng học sinh hút TL, đặc biệt là các loại TL điện tử. Chính vì vậy, việc xác định vai trò của trường học là vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền vận động học sinh, sinh viên nhận thức về tác hại của TL, các quy định của luật phòng, chống tác hại của TL.
Các trường học trên địa bàn tỉnh đều có kế hoạch triển khai tuyên truyền thường xuyên bằng nhiều hình thức lồng ghép giáo dục, vận động cá nhân cụ thể. Trong việc phòng chống tác hại của TL, thì nhận thức cá nhân của học sinh trong việc từ bỏ và nói không với TL vẫn là yếu tố quyết định. Đặc biệt, vai trò của bạn bè, đoàn thể trong môi trường học tập cũng vô cùng quan trọng.
Cô Đỗ Thị Kim Loan- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long, cho biết: “Từ đầu năm, chúng tôi đã phối hợp tốt với Công an tỉnh, Công an TP Vĩnh Long và đặc biệt là trong những buổi sinh hoạt đầu tuần thì các anh chị bên công an đã đến để tuyên truyền cho các em về tác hại của TL, TL điện tử. Ban giám hiệu nhà trường đã phân công cho các tổ giáo dục công dân có nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề để giúp cho các em thấy được các tác hại của TL, những giải pháp phòng chống như thế nào, bởi vì thông điệp trường hướng tới là trường học không khói TL”.
Hiểu rõ tác hại, sự nguy hiểm của khói TL đối với sức khỏe con người, nhất là trẻ em, các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp xây dựng trường học không khói TL. Từ đó, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh, an toàn đối với học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (TP Vĩnh Long) thường tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống tác hại của TL vào tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa... thông qua các hình thức như hội thi, diễn tiểu phẩm. Ngoài ra, thực hiện các giải pháp thường xuyên, kiên trì, nêu gương để học sinh hiểu và có ý thức về phòng chống tác hại của TL.
Với việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tác hại của TL trong trường học đã giúp các em học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về tác hại của TL, từ đó không hút TL, góp phần bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống tác hại của TL trong trường học đạt kết quả cao rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, các bậc phụ huynh và toàn xã hội.
MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin