Hiểu nguy cơ để phòng bệnh đái tháo đường

14:22, 22/11/2024
Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

Năm 2024, chủ đề của ngày Đái tháo đường (ĐTĐ) thế giới là: “Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh”. Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ, từ đó có những biện pháp phòng ngừa kịp thời.


Không điều trị đúng, bệnh nhân đái tháo đường bị các biến chứng nguy hiểm


Theo các bác sĩ, bệnh ĐTĐ nếu được điều trị ngay ở giai đoạn tiền ĐTĐ sẽ mang lại những tín hiệu rất tích cực cho bệnh nhân (BN). Tuy nhiên, đáng tiếc phần lớn BN ĐTĐ tuýp 2 ở Việt Nam, tại thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh đã có biến chứng rồi, vì vậy việc chẩn đoán sớm, điều trị đầy đủ là vô cùng quan trọng.


BN N.T.L. (66 tuổi, TX Bình Minh) được người nhà phát hiện trong trạng thái hôn mê, lay gọi không phản ứng, nên đưa đến bệnh viện cấp cứu.


Theo thông tin từ gia đình, bà L. có tiền sử ĐTĐ type 2, điều trị 20 năm, tăng huyết áp, thường tự dùng thuốc nam, thuốc gia truyền để điều trị ĐTĐ.


Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán BN bị rối loạn tri giác, ĐTĐ nhiễm toan lactic suy đa cơ quan, nhồi máu cơ tim, tổn thương thận cấp, viêm phổi, hội chứng cushing do thuốc, viêm dạ dày. Ngay sau đó, các bác sĩ thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực cho BN. Sau 4 ngày điều trị tích cực, BN tỉnh táo, hết nôn ói, ăn uống được, chức năng gan, thận, đường huyết dần ổn định.


Theo BS.CK2 Thạch Thị Phola- Phó Khoa Nội tim mạch (phụ trách chuyên khoa Nội tiết), Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, trường hợp BN bị nhiễm toan lactic trong quá trình điều trị ĐTĐ là một biến chứng hiếm gặp nhưng nếu xuất hiện thì rất nặng và có thể gây tử vong. May mà BN được gia đình đưa đến bệnh viện sớm và cấp cứu kịp thời. Nếu chậm trễ, có thể BN phải điều trị lọc máu liên tục hoặc nguy hiểm tính mạng.


“ĐTĐ là bệnh lý mạn tính phổ biến. Việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ là rất quan trọng để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh. BN ĐTĐ tuyệt đối không nên tin những quảng cáo sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bỏ điều trị, gây nên biến chứng nặng nề và có thể nhiễm toan lactic suy đa cơ quan nguy kịch”- BS Phola khuyến cáo.


Việt Nam đã có khoảng 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường


Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), bệnh ĐTĐ là một mối đe dọa sức khỏe công cộng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. ĐTĐ gây ra rất nhiều biến chứng cho sức khỏe như tim mạch, mắt, thần kinh, là nguyên nhân chính gây suy thận và nhiều biến chứng khác. 


Bệnh ĐTĐ ở Việt Nam đang gia tăng và hiện chiếm tỷ lệ gần 73% dân số, tương đương khoảng 7 triệu người, trong đó hơn 55% BN đã có biến chứng. Tỷ lệ người mắc ĐTĐ chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại là hơn 60% và có hơn một nửa người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh ĐTĐ.


Điều đáng lo ngại là tình trạng mắc ĐTĐ ngày càng trẻ hóa có tới 4% số người mắc dưới 45 tuổi và hơn 55% BN ĐTĐ tuýp 2 đã xuất hiện biến chứng về tim mạch, mắt, thần kinh và thận. BN ĐTĐ bị biến chứng không chỉ làm tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. 


ĐTĐ là bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm. Khi bệnh không kiểm soát được và theo thời gian sẽ gây tổn thương nghiêm trọng nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu. Song, có thể giảm tác động của bệnh ĐTĐ bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán sớm và chăm sóc thích hợp. Xét nghiệm máu là cách duy nhất để phát hiện bệnh ĐTĐ.


Theo dự báo số ca mắc ĐTĐ của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, để quản lý hiệu quả bệnh lý này, BN cần có một phác đồ điều trị toàn diện bao gồm chế độ ăn uống hợp lý, vận động thể chất đều đặn, sử dụng thuốc theo chỉ định và các kỹ năng tự chăm sóc như tự đo đường huyết và tiêm insulin.


“Tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng trong khi lứa tuổi mắc bệnh ĐTĐ ngày càng trẻ hóa thực sự đáng báo động”- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh. 


Để ứng phó với tình trạng trên, hệ thống phòng, chống bệnh ĐTĐ đã hoàn thành mục tiêu khống chế tỷ lệ gia tăng của bệnh ĐTĐ toàn quốc, giai đoạn 2020-2026 ở mức 7,3% so với chỉ tiêu dưới 10% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh