Nhà trường cần tạo thói quen cho học sinh biết cách giữ vệ sinh cá nhân để phòng bệnh. |
Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng như hiện nay, ngành giáo dục và y tế tỉnh Vĩnh Long đang triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng chống bệnh vào năm học mới để bảo vệ tốt nhất sức khỏe học sinh.
Khử khuẩn, vệ sinh trường lớp
Theo ngành y tế, thời gian bắt đầu năm học mới cũng là thời điểm thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan và nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao. Đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, tay chân miệng, các bệnh lý về mắt về da, bệnh sốt xuất huyết và nhiễm siêu vi.
Những tuần gần đây, số ca bệnh sởi cũng gia tăng nhanh chóng. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Vĩnh Long ghi nhận gần 40 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ 2023 không ghi nhận ca mắc. Đáng lưu ý, hầu hết ca bệnh xác định sởi này trên 50% ca dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm sởi; số ít ca đã tiêm được 1 mũi sởi và có vài ca chưa được tiêm ngừa. Ở những bệnh truyền nhiễm lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng đang ghi nhận số ca mắc tương đối cao và chủ yếu ở trẻ em. Cụ thể số ca sốt xuất huyết cộng dồn đến nay là trên 950 ca, trong đó đa số ca trẻ dưới 15 tuổi. Số ca mắc tay chân miệng cộng dồn hơn 800 ca.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long- Huỳnh Thanh Tân, khi học sinh bắt đầu tựu trường, nguy cơ nhiễm các bệnh truyền nhiễm sẽ cao hơn dịp nghỉ hè do các em tiếp xúc gần với nhau trong thời gian dài. Vì vậy, giáo viên và phụ huynh cần chú ý thực hiện những biện pháp phòng bệnh, dạy các em biết cách phòng bệnh để tránh lây nhiễm bệnh trong môi trường học đường.
Do vậy, ngành y tế thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh như: phun thuốc khử trùng, tập huấn, tuyên truyền cho giáo viên, học sinh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Nhóm trẻ mầm non, mẫu giáo là đối tượng dễ bị vi trùng, vi khuẩn tấn công khi hệ miễn dịch còn non yếu và sinh hoạt trong môi trường tập thể cả ngày nên việc phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ luôn được các điểm trường mầm non, mẫu giáo trong tỉnh đặc biệt chú trọng. Cô Văn Ngọc Thùy Anh- Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (TT Long Hồ) cho biết: “Các cô thường xuyên vệ sinh môi trường lớp, sử dụng clomin B rửa đồ dùng đồ chơi cho các bé. Bộ phận bán trú hợp đồng các cơ sở có uy tín, đầy đủ các hồ sơ thủ tục đảm bảo an toàn thực phẩm, khẩu phần ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng để giúp các bé có sức khỏe tốt”.
Phòng chống bệnh truyền nhiễm
Khi bước vào năm học, bệnh tay chân miệng cũng có nguy cơ sẽ tăng vì bệnh này dễ lây, đặc biệt là trong nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, trường học, nhất là các trường mầm non, các nhà/nhóm trẻ cần thực hiện vệ sinh, khử trùng thường xuyên, liên tục, đều đặn bằng các hoạt chất khử khuẩn thông thường…; dọn dẹp các dụng cụ chứa nước, tạo môi trường thông thoáng để côn trùng trung gian truyền bệnh không có điều kiện phát triển.
Ngay từ đầu năm học, nhân viên y tế các địa phương trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các điểm trường trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên các biện pháp phòng bệnh cho học sinh, cách nhận biết dấu hiệu khi học sinh mắc bệnh như: đau mắt đỏ, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi… để kịp thời cách ly, tránh lây lan.
Trưởng Trạm Y tế TT Long Hồ- Mai Thị Ngọc Ngân cho biết: “Trạm y tế xuống từng trường học hướng dẫn cho các giáo viên, y tế trường học các biện pháp phòng dịch bệnh, hướng dẫn những biểu hiện bệnh truyền nhiễm để phát hiện xử lý kịp thời. Đối với 2 trường mầm non trên địa bàn, trạm cũng hướng dẫn vệ sinh trường lớp mỗi tuần 1 lần, vệ sinh đồ dùng đồ chơi của các bé. Có phát hiện ca tay chân miệng thì khoanh vùng lại cho các bé nghỉ ở nhà để giáo viên lau chùi bàn ghế, trường lớp sạch sẽ”.
Dù nguy cơ trẻ phải đối diện với dịch bệnh vào năm học mới rất cao nhưng theo các chuyên gia, nhiều căn bệnh nguy hiểm hiện nay đã có vaccine phòng bệnh. Các bậc phụ huynh nên tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ, đừng để con em phải bị gián đoạn việc học tập do mắc bệnh.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long- Huỳnh Thanh Tân cho biết: “Với các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh thì phụ huynh cần tiêm đủ liều, đúng lịch cho con. Nếu chưa biết cặn kẽ thông tin thì cần đến trạm y tế nơi mình đang sinh sống để được tư vấn đầy đủ. Nếu có điều kiện, phụ huynh nên tiêm thêm những loại vaccine dịch vụ như phế cầu, cúm, quay bị, thủy đậu,… để tạo hệ thống miễn dịch cho cơ thể”.
Đồng thời, nhà trường tiếp tục quan tâm vệ sinh thường xuyên trường lớp, đồ dùng đồ chơi của trẻ bằng dung dịch khử khuẩn để khống chế sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, đảm bảo an toàn thực phẩm và hướng dẫn, tạo thói quen cho trẻ biết cách giữ vệ sinh cá nhân. Khi có học sinh mắc bệnh cần cách ly trẻ đúng quy định, cần đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán, điều trị đúng phác đồ, điều trị sớm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của bệnh đối với trẻ cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin