Ý thức người dân- giải pháp then chốt phòng bệnh sốt xuất huyết

06:06, 15/06/2024

Sở Y tế dự báo số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng gia tăng từ tháng 5-11. Các biện pháp phòng chống dịch SXH cần phải triển khai ngay từ thời điểm này. Trong đó, ý thức phòng bệnh của người dân vẫn là yếu tố quan trọng, then chốt trong phòng chống bệnh SXH.
 

Sở Y tế dự báo số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng gia tăng từ tháng 5-11. Các biện pháp phòng chống dịch SXH cần phải triển khai ngay từ thời điểm này. Trong đó, ý thức phòng bệnh của người dân vẫn là yếu tố quan trọng, then chốt trong phòng chống bệnh SXH.
Người dân xã Thanh Đức tham gia hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết.
Người dân xã Thanh Đức tham gia hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết.
Nhận biết bệnh sốt xuất huyết
 
Bệnh SXH lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Hiện nay, điều kiện thời tiết mùa hè kèm mưa nhiều thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và lăng quăng truyền bệnh, dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới. 
 
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Vĩnh Long, tính từ đầu năm đến ngày 10/6, tỉnh ghi nhận trên 500 ca mắc SXH, với trên 230 ổ dịch nhỏ. So với cùng kỳ năm 2023 số mắc giảm hơn 200 trường hợp nhưng số ổ dịch nhỏ tăng gần 20 ổ. Dự báo số mắc sẽ tiếp tục gia tăng nếu không chủ động quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.
 
Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi, BVĐK tỉnh Vĩnh Long, vào mùa mưa, bệnh SXH sẽ gia tăng. “Phụ huynh cần lưu ý, khi trẻ sốt 3 ngày trở lên, nên cho trẻ đi khám để làm các xét nghiệm xác định trẻ bị sốt siêu vi, hay nhiễm trùng. Nếu là SXH, bệnh nhi sẽ sốt liên tục trong vòng 3 ngày, đến ngày thứ 4 là hết sốt. Tuy nhiên, cũng có trẻ xuất hiện biểu hiện nặng hơn như: ói, đau bụng, chảy máu cam, đi cầu phân đen, thậm chí là ói ra máu”- BS Chí Công khuyến cáo.
 
Đáng chú ý, dấu hiệu bệnh SXH chuyển biến nặng cần đến ngay cơ sở y tế: ói nhiều, đau bụng nhiều; có dấu hiệu xuất huyết (chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, xuất huyết âm đạo ở nữ). Ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu tay chân trẻ lạnh, trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt. Khi có dấu hiệu này thì trẻ đang ở tình trạng rất nguy hiểm do có nguy cơ bị tụt huyết áp, sốc.
 
“Nếu người bệnh không có dấu hiệu nặng, các cơ sở y tế có thể theo dõi, cho điều trị ngoại trú. Hàng ngày người bệnh phải đến tái khám tại các phòng khám hoặc bệnh viện, không cần phải nhập viện. Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo SXH hoặc các trường hợp có nguy cơ cao, thì cần phải nhập viện”, BS.CK1 Nguyễn Quang Vinh- Phó Trưởng Khoa Nhiễm- BVĐK tỉnh Vĩnh Long lưu ý.
 
Bệnh SXH là bệnh nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành vaccine SXH tại Việt Nam. Dự kiến vaccine sẽ được cung cấp cho các địa phương vào tháng 9 tới. Đây là bước tiến lớn trong phòng chống dịch bệnh SXH. 
 
Phòng chống bệnh từ mỗi gia đình
 
Theo CDC tỉnh, để khống chế không để bệnh SXH bùng phát thành dịch trong các tháng mùa mưa, Vĩnh Long đang tích cực triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng bệnh SXH.
 
Chiến dịch được triển khai tại các xã, phường, thị trấn có nhiều ca mắc bệnh SXH và có nguy cơ bùng phát thành dịch cao trong tỉnh. Nhân viên y tế và cộng tác viên tiến hành phát tờ rơi tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân các biện pháp diệt lăng quăng, xóa môi trường sinh sản của muỗi phòng bệnh SXH. 
 
Xã Thanh Đức, huyện Long Hồ là một trong những địa phương có số ca mắc cao SXH trong thời gian qua, nhiều trường hợp mắc bệnh là trẻ em. Từ đầu năm đến 10/6, xã có 32 ca mắc, với 15 ổ dịch nhỏ.
 
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ Nguyễn Thị Ngọc Bích, chiến dịch diệt lăng quăng nhằm hạ thấp mật độ muỗi, côn trùng trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo các hộ gia đình nơi thực hiện chiến dịch không còn dụng cụ chứa nước có lăng quăng; đồng thời, đánh động cộng đồng, nâng cao ý thức người dân về tác hại nguy hiểm của bệnh và cách phòng chống bệnh SXH.
 
Bà Phạm Thị Sâm (ấp Long Hưng, xã Thanh Đức) cho biết: “Bệnh SXH do muỗi vằn gây ra. Được cán bộ Trạm Y tế tuyên truyền, tôi luôn ý thức trong việc phòng bệnh bằng việc giữ gìn vệ sinh môi trường; phát quang cây cối; sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng sẽ giúp hạn chế nơi trú ẩn của muỗi”.
 
Nếu không có lăng quăng, không có muỗi truyền bệnh thì không có bệnh SXH. Phòng chống SXH không phải nhiệm vụ của riêng ngành y tế, người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, nếu không SXH sẽ lan rộng trong thời gian tới và khó có thể kiểm soát.
 
Chị Võ Kim Yến (xã Phú Quới, huyện Long Hồ) chia sẻ: “Nhà có con nhỏ nên tôi rất cẩn thận trong việc phòng ngừa bệnh SXH. Để phòng bệnh cho gia đình, tôi thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, lật úp các dụng cụ bị đọng nước; ngủ mùng kể cả ban ngày, thoa thuốc chống muỗi cho con, thả cá vào hồ, chậu có chứa nước”.
 
Theo Phó Giám đốc CDC tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thanh Tân, ý thức của người dân trong việc phòng bệnh SXH là rất quan trọng. Trong khi thực tế, ổ lăng quăng xuất phát từ chính nơi người dân sinh sống, làm việc và học tập.
 
“Phòng SXH bắt đầu từ những hành động nhỏ ngay từ trong gia đình. Bản thân mỗi người dân phải chủ động dùng nhang muỗi, bình xịt muỗi, giăng mùng khi ngủ để tránh muỗi đốt, phải thường xuyên dọn dẹp môi trường xung quanh nhà, đồng thời làm sạch và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, nhất là thời điểm mưa nhiều để hạn chế các điều kiện cho muỗi phát triển. Thất bại hay thành công trong công tác phòng chống bệnh SXH rất cần sự chung tay của cộng đồng và mỗi người dân”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nhấn mạnh.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định vaccine Qdenga giúp tăng hiệu quả phòng bệnh SXH nhưng không ngăn được tất cả các trường hợp mắc bệnh, tình trạng miễn dịch sau tiêm ngừa có thể suy giảm theo thời gian. Vaccine chỉ là một phần của chiến lược tổng hợp kiểm soát bệnh SXH. WHO khuyến cáo vẫn cần phải kiểm soát tốt trung gian truyền bệnh để tối ưu hóa hiệu quả phòng bệnh, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh SXH, cộng đồng tham gia phòng chống bệnh SXH.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh