Trẻ thừa cân vẫn bị thiếu chất dinh dưỡng

12:06, 07/06/2024

Con tôi 8 tuổi, thể trạng hơi mập nhưng bác sĩ chẩn đoán bị thiếu các chất dinh dưỡng. Xin hỏi, nguyên nhân gây nên tình trạng này và cần làm gì để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ?

 

Con tôi 8 tuổi, thể trạng hơi mập nhưng bác sĩ chẩn đoán bị thiếu các chất dinh dưỡng. Xin hỏi, nguyên nhân gây nên tình trạng này và cần làm gì để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ?

Nguyễn Thu Thủy

(Xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn)

Trả lời:

Tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng không chỉ là vấn đề đáng quan tâm ở trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi mà còn cả những trẻ thừa cân, béo phì. Nguyên nhân đưa đến tình trạng này là do trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn. Ăn bổ sung sớm ảnh hưởng xấu đến việc tận dụng nguồn sữa mẹ, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn bổ sung thường khó tiêu dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vi chất. Theo thói quen, các bà mẹ thường xay thức ăn của trẻ rồi mới nấu lên và chế biến 1 lần ăn cả ngày. Chính khâu chế biến này đã làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng trong thức ăn. Chế độ ăn không hợp lý sẽ dẫn đến thừa chất béo, chất đạm, bột, đường, thiếu rau xanh và trái cây. Do trẻ có dạ dày nhỏ, hệ tiêu hóa còn yếu, nếu bổ sung cùng một lúc quá nhiều chất bổ dưỡng dễ bị tiêu chảy. Trẻ suy dinh dưỡng thể thừa cân béo phì phần lớn là do ăn dư thừa chất đạm, chất béo, nhiều chất bột đường. Không cho trẻ ăn cá, cua, tôm, trứng dễ gây chán ăn, thiếu hụt các vi chất như kẽm, sắt và tạo thói quen ăn uống thiên lệch đơn điệu, khó thay đổi về sau.

Để phòng chống thừa cân béo phì, thiếu vi chất ở trẻ cần nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú sớm trong 1 giờ đầu sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và nên cho bú kéo dài tới 24 tháng. Ở tuổi ăn bổ sung nên chú ý nuôi con bằng chế độ ăn hợp lý, đủ 8 nhóm thực phẩm, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo nhóm tuổi, đa dạng thực phẩm và thay đổi thường xuyên. Không nên cho trẻ ăn bánh kẹo ngọt, nước ngọt… hạn chế các món xào nhiều chất béo. Hạn chế cho trẻ ngồi lâu chơi điện tử, đọc truyện và nên cho trẻ vận động 30-60 phút mỗi ngày như đi bộ, đạp xe đạp, nhảy dây, đá bóng, bơi… giúp kiểm soát cân nặng mà vẫn tăng trưởng chiều cao tốt.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh