Nguy cơ cao bùng phát bệnh dại, sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam

02:06, 14/06/2024

Sự xuất hiện trở lại của một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, bệnh dại... đang trở thành mối lo ngại mới ở khu vực phía Nam từ đầu năm đến nay. TS.BS Nguyễn Vũ Thượng- Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh giữa Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh với 20 sở y tế khu vực phía Nam.

 

Tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ tại BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long.
Tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ tại BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long.

Sự xuất hiện trở lại của một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, bệnh dại... đang trở thành mối lo ngại mới ở khu vực phía Nam từ đầu năm đến nay. TS.BS Nguyễn Vũ Thượng- Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh giữa Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh với 20 sở y tế khu vực phía Nam.

Nhiều loại bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại TP Hồ Chí Minh

Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, tại khu vực phía Nam các bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng ở mức thấp, không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình 5 năm trước.

Tuy nhiên, các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vaccine như sởi, ho gà, bệnh dại... đang trở thành mối lo ngại lớn. Từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 41 ca bệnh ho gà và 317 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Riêng TP Hồ Chí Minh ghi nhận 30 ca bệnh ho gà và 16 ca mắc sởi. Nhiều tỉnh miền Tây, trong đó có Kiên Giang ghi nhận ca mắc sởi trong cộng đồng rất cao.

Khu vực phía Nam cũng ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh dại, đã có 41 trường hợp tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay, chiếm 27% cả nước, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương như Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Cà Mau, Đồng Nai có ổ dịch chó dại gia tăng.

Tại Đồng Nai, công tác phòng, chống bệnh dại gặp nhiều khó khăn do nhiều người dân chưa chủ động tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo. Một số người khi bị chó cắn cũng chủ quan không đi tiêm vaccine kịp thời. Ngoài ra, công tác đấu thầu mua huyết thanh kháng dại gặp nhiều khó khăn. Những người dân được xác định bị chó dại cắn đều phải chuyển lên Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để tiêm huyết thanh kháng dại.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, lý giải, các bệnh truyền nhiễm đang tăng cao do “khoảng trống miễn dịch”. Từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trẻ em không được tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch nên độ bao phủ vaccine thấp.

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, điều đáng ngại là sự gia tăng của những loại bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine như ho gà và sởi. Tính đến tuần 23 năm 2024, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 30 trường hợp mắc ho gà, 90% là trẻ dưới 5 tuổi, 44% chưa đến tuổi tiêm ngừa vaccine ho gà mũi đầu tiên.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 16 ca sởi, trong đó 15 ca dưới 5 tuổi, 85% ca dưới 5 tuổi nhưng chưa tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Ca bệnh rải rác tại các địa phương như quận Bình Tân, Quận 8, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, bệnh SXH ở các tỉnh phía Nam đang ở mức thấp. TP Hồ Chí Minh ghi nhận 3.677 ca SXH, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng, các địa phương không được chủ quan vì mùa mưa tới, dịch bệnh sẽ có biến động và nguy cơ bùng dịch rất cao.

“Tình trạng này rất đáng lo ngại. Để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, chúng ta cần có những biện pháp mạnh mẽ và kịp thời như mở rộng độ tuổi tiêm chủng, mở rộng đối tượng tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng... để khống chế dịch, hạn chế lây lan dịch bệnh có hiệu quả hơn”, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng nhận định.

Không chủ quan trước dịch bệnh

Nhận định tình hình dịch bệnh hiện nay, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nêu rõ bệnh truyền nhiễm lưu hành (SXH, tay chân miệng) hiện trong tầm kiểm soát, nếu không duy trì tốt các biện pháp can thiệp chủ động, nguy cơ dịch trổi dậy cao. Bệnh ngừa được bằng vaccine gia tăng và xuất hiện chùm ca bệnh cục bộ tại một số địa phương, có nguy cơ cao xuất hiện các ổ dịch và lây lan nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, điểm trông giữ trẻ và tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Một số khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bao gồm tỷ lệ tiêm chủng chưa như mong đợi; việc chẩn đoán phát hiện bệnh ngừa được bằng vaccine tại một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa kịp thời; du lịch, đi lại tăng cao trong dịp hè, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ;…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng chống các dịch bệnh hiện hữu như sởi, ho gà... và các dịch bệnh mới nổi trên thế giới.

Các địa phương tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh, đặc biệt là dịch SXH và tay chân miệng khi số ca mắc đang ngày một tăng cao vào mùa mưa. Các địa phương cần tập trung dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tiến hành đánh giá, rà soát khả năng phòng, chống dịch, lên kịch bản ứng phó sẵn sàng cho công tác thu dung, điều trị các bệnh có nguy cơ lây truyền.

Đối với các bệnh không có vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các tỉnh cần chủ động tham mưu UBND tỉnh mua dự trữ vaccine, thuốc điều trị để phòng bệnh một cách hiệu quả nhất. Tránh tình trạng có dịch bệnh là đẩy về các bệnh viện tuyến cuối, tuyến trung ương. Các bệnh viện tuyến cuối thực hiện hướng dẫn, tập huấn, chỉ đạo các bệnh viện tỉnh phương pháp phòng dịch để chủ động chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên môn với Tổ chức Y tế thế giới trong triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung, mở rộng đối tượng tiêm chủng đối với bệnh sởi.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh