Đừng chủ quan với bệnh sởi

02:06, 04/06/2024

Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc bệnh sởi mới, các ổ dịch nhiều nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

 

Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ tại CDC Vĩnh Long.
Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ tại CDC Vĩnh Long.

Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc bệnh sởi mới, các ổ dịch nhiều nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Mới đây, ngày 28/5, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, hệ thống giám sát sốt phát ban nghi sởi của thành phố ghi nhận 2 trường hợp trẻ mắc bệnh sởi. Đáng chú ý, cả 2 trẻ đều chưa được tiêm ngừa đầy đủ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng và hoàn toàn chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Bệnh cảnh chính của cả 2 trẻ đều là sốt trước khi phát ban vài ngày kèm theo đó là các triệu chứng viêm hô hấp.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Vĩnh Long cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… nếu không có miễn dịch phòng bệnh có thể sẽ gây thành dịch. Đối tượng dễ mắc bệnh sởi thường là trẻ nhỏ và người có miễn dịch kém. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vaccine sởi và những người không có miễn dịch với virus sởi đều có thể bị mắc sởi.

Theo các bác sĩ, sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh sởi, đặc biệt là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc sởi.

Để chủ động phòng bệnh sởi, ngành y tế kêu gọi phụ huynh đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh sởi. 2 liều vaccine phòng sởi mang lại hiệu quả ngăn ngừa bệnh đến 97%.

Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời. Đối với trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần tới tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.

Theo Phó Giám đốc CDC Vĩnh Long Huỳnh Thanh Tân, ngoài tiêm vaccine, người dân cũng lưu ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh sởi như: Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; cung cấp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất. Đồng thời, duy trì chế độ vận động, luyện tập thể dục để nâng cao sức đề kháng. Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: MAI ANH

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh