Thời tiết nắng nóng đỉnh điểm gây ra nhiều hệ luỵ về sức khỏe, nhất là gia tăng tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ.
Khi nhận thấy những dấu hiệu của đột quỵ, cần đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời, tránh bỏ lỡ thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ. |
Thời tiết nắng nóng đỉnh điểm gây ra nhiều hệ luỵ về sức khỏe, nhất là gia tăng tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ. Theo BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, từ đầu năm 2024 đến trung tuần tháng 4, bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu hơn 6.700 ca (trong đó đột quỵ não là 2.615 ca, nhồi máu não 2.058 ca…), tăng khoảng 1.800 ca so cùng kỳ năm ngoái.
Theo TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, bệnh đột quỵ hiện nay có xu thế trẻ hóa và gia tăng số lượng. Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, cơ thể đổ mồ hôi nhiều dẫn đến mất nước. Lúc này, thể tích lòng mạch giảm đi, máu trở nên cô đặc hơn, dễ hình thành cục máu đông, gây tắc mạch, dẫn đến đột quỵ.
Các chuyên gia khuyến cáo, do đang trong cao điểm nắng nóng đỉnh điểm, người dân hạn chế đi ra ngoài vào thời điểm nắng gắt để góp phần giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Nếu ra đường cần che chắn kỹ lưỡng như mặc áo chống nắng, đội nón; phải cung cấp đủ nước cho cơ thể, trung bình mỗi người có thể uống từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày.
Để phòng ngừa đột quỵ, người dân cần chú ý kiểm soát bệnh lý nền nên đi tái khám định kỳ, theo dõi tình trạng sức khỏe, uống thuốc đều đặn đúng theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế những đợt cấp của bệnh. Lưu ý, không lạm dụng chất kích thích rượu bia, thuốc lá, làm việc vừa sức. Khi bệnh nhân có các dấu hiệu của đột quỵ như méo miệng, yếu liệt tay chân, khó nói cần được đưa đến cơ sở điều trị đột quỵ gần nhất để tranh thủ thời gian vàng điều trị.
Tin, ảnh: SÔNG TRĂNG