Thời gian gần đây, Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhi bị thủy đậu.
Thời gian gần đây, Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhi bị thủy đậu.
Theo các bác sĩ, thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh là virus Varicella Zoster gây nên và dễ bùng phát thành dịch bệnh, thường xuất hiện vào mùa xuân- hè. Dấu hiệu nhận biết của bệnh thủy đậu là sốt, đau nhức, phát ban da đỏ, ngứa và mụn nước.
Khi trẻ mắc thủy đậu sẽ rất ngứa và khó chịu, tổn thương nhiều ở da. Đặc biệt tổn thương ở vùng miệng làm trẻ khó ăn làm cha mẹ rất sốt ruột tìm nhiều “mẹo” để trị cho bé, trong đó rất nhiều cách sai lầm dẫn đến trẻ có thể biến chứng nặng như sẹo do bội nhiễm da, viêm phổi, nhiễm khuẩn máu hay viêm màng não...
Để chủ động phòng chống bệnh thủy đậu, cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh để phòng tránh lây lan. Thường xuyên rửa tay bằng xà bông, sử dụng các đồ sinh hoạt riêng; chủ động vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Với những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được cách ly và cho nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho người xung quanh.
“Dù bệnh có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng hiện tại đã có vaccine phòng ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ từ đủ 12 tháng tuổi. Phụ nữ có kế hoạch sinh con cũng nên tiêm vaccine ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng, để phòng bệnh và tránh lây từ mẹ sang con”- BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long khuyến cáo.
SÔNG TRĂNG