Khoa Ngoại Thần kinh BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long thường xuyên tiếp nhận các trường hợp máu tụ dưới màng cứng mạn tính, rất nhiều trường hợp là người cao tuổi.
Cụ bà Phạm Thị H. (82 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) bị máu tụ dưới màng cứng mãn tính được các bác sĩ phẫu thuật và đã được xuất viện. |
Khoa Ngoại Thần kinh BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long thường xuyên tiếp nhận các trường hợp máu tụ dưới màng cứng mạn tính, rất nhiều trường hợp là người cao tuổi.
Cụ bà Phạm Thị H. (82 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) vừa được các bác sĩ phẫu thuật bị máu tụ dưới màng cứng mãn tính. Trước đó 3 tháng, bệnh nhân (BN) bị té ngã, được cấp cứu tại bệnh viện và kiểm tra chụp MRI sọ não không có tổn thương nên không điều trị.
2 ngày trước khi nhập viện BN đau đầu, có dấu hiệu yếu nửa người bên trái, tiếp xúc chậm, rối loạn ngôn ngữ. Các bác sĩ BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long tiến hành chụp MRI sọ não, phát hiện BN có tụ máu dưới màng cứng bán cầu não trái, phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu.
Với sự phối hợp tốt của bác sĩ phẫu thuật và ê kíp bác sĩ hồi sức gây mê, BN được phẫu thuật lấy máu tụ dưới màng cứng bằng phương pháp khoan sọ một lỗ, bơm rửa dẫn lưu máu tụ. Đây là phương pháp tối ưu, không can thiệp mổ hộp sọ, giảm nguy cơ biến chứng hậu phẫu, phục hồi nhanh. Sau 3 ngày, BN được kiểm tra chụp CT Scan, kết quả không còn máu tụ, BN hoàn toàn tỉnh táo, bớt đau đầu, tình trạng yếu nửa người cải thiện gần như hoàn toàn và đã được xuất viện.
Theo BS.CK1 Nguyễn Lê Vân- Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long, máu tụ dưới màng cứng mạn tính hay gặp ở người lớn tuổi, có tiên lượng tốt nếu chúng ta nhận biết sớm những triệu chứng như đau đầu, yếu nửa người, lú lẫn, rối loạn tâm thần kinh (như trầm cảm, hoang tưởng, thay đổi tính cách).
“Các triệu chứng này thường diễn ra từ từ và khó phát hiện. Các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn cũng làm tăng nguy cơ xảy ra máu tụ dưới màng cứng mãn tính. Khác với máu tụ dưới màng cứng thể cấp tính có tỷ lệ tử vong cao, để lại di chứng nặng nề, thể mạn tính có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị sớm kịp thời”- BS. Vân cho biết.
Đáng chú ý, triệu chứng của tụ máu dưới màng cứng phụ thuộc vào độ nặng của chấn thương và kích cỡ, cũng như vị trí của khối máu tụ. Các triệu chứng có thể bắt đầu ngay lập tức hoặc sau một vài tuần kể từ khi chấn thương đầu.
Một số người sau khi gặp chấn thương lúc đầu có vẻ ổn, vẫn tỉnh táo, đi lại bình thường. Song, sau đó áp lực trong não gây ra do khối tụ máu có thể bắt đầu dẫn đến các triệu chứng như: mất ý thức hoặc thay đổi độ tỉnh táo; nôn; đau đầu; chóng mặt, mất khả năng định hướng, nói ngọng; mất trí nhớ, co giật; thay đổi tính cách; yếu một bên chi... Đây là những ca bệnh khó, đòi hỏi phải khai thác kỹ bệnh sử, khám lâm sàng kỹ và và thực hiện các chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao (CT Scan hoặc MRI) để đánh giá chính xác mức độ tổn thương.
Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long khuyến cáo, người cao tuổi cần cảnh giác với máu tụ dưới màng cứng mạn tính dù kể cả là những va chạm nhỏ nhất.
“Cần phòng bệnh bằng cách đi lại cẩn thận, tránh nguy cơ té ngã gây chấn thương vùng đầu. Nếu người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông nên đi khám và làm các xét nghiệm máu kiểm tra định kỳ để kiểm soát việc dùng đúng liều, lượng thuốc. Và người có nguy cơ cao nên đi khám tại các tuyến bệnh viện có chuyên khoa khi có những chấn thương về đầu dù nhẹ để có thể được phát hiện kịp thời”- BS Lê Vân lưu ý.
Theo các bác sĩ, tụ máu dưới màng cứng ở người cao tuổi rất dễ gặp và hết sức nguy hiểm. Do người cao tuổi tĩnh mạch thường bị giãn nên dù chấn thương đầu rất nhỏ cũng có thể gây tụ máu dưới màng cứng. Với những BN cao tuổi bị tụ máu màng cứng, nếu không được theo dõi, điều trị và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Thêm vào đó, mức độ hồi phục sau phẫu thuật ở người cao tuổi cũng hạn chế hơn do thể trạng yếu, đáp ứng điều trị kém… |
Bài, ảnh: NGỌC ANH