Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long gia tăng ngay từ những tháng đầu năm và đến thời điểm này số ca mắc bệnh tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần tích cực quan tâm phòng bệnh cho trẻ không được chủ quan trước căn bệnh nguy hiểm này.
Đa phần trẻ mắc tay chân miệng diễn biến nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm. |
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long gia tăng ngay từ những tháng đầu năm và đến thời điểm này số ca mắc bệnh tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần tích cực quan tâm phòng bệnh cho trẻ không được chủ quan trước căn bệnh nguy hiểm này.
Lưu ý các dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng
Chăm con trai 15 tháng tuổi đang nằm điều trị bệnh TCM tại Khoa Nhi BVĐK tỉnh Vĩnh Long, chị Nguyễn Thái Kim Hằng (xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) xuýt xoa: “Con sốt 2 ngày, ăn uống ít, ngủ giật mình nên em đưa con đi bệnh viện khám, bác sĩ cho nhập viện vì bị TCM. Con bệnh sò hết trơn hà, chứ bình thường thì chịu giỡn dữ lắm. Nằm 3 bữa nay nghe lời bác sĩ theo dõi con sát luôn”.
Quạt mát cho con gái 2 tuổi đang ngủ, chị Nguyễn Ngọc Hạnh (TT Long Hồ) cho biết vài ngày trước, trong lúc ăn cơm và uống sữa bé bị ói, miệng bé nổi chỉ vài đốt đỏ. “Vô viện điều trị nốt ban bé nổi đầy tay chân và cả người luôn. Con bệnh mệt, khóc cũng xót con lắm, nhưng vô viện có y, bác sĩ chăm sóc cũng yên tâm”- chị Hạnh nói.
Khoa Nhi BVĐK tỉnh từ đầu năm đến nay tiếp nhận liên tục các trường hợp trẻ mắc bệnh TCM cần nhập viện điều trị nội trú, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Theo các bác sĩ, hầu hết phụ huynh đều có kiến thức bảo vệ sức khỏe trẻ nên kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện điều trị bệnh TCM kịp thời.
Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK tỉnh, biểu hiện đặc trưng của bệnh TCM là sốt cao trên 2 ngày không hạ và giật mình chới với khi ngủ. Khi trẻ có 2 triệu chứng này thì phụ huynh cần nghĩ đến bệnh TCM. Trẻ mắc TCM có thể diễn tiến nặng trong 5 ngày đầu, đặc biệt trong 3 ngày đầu tiên sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, cần phải đưa đến bệnh viện ngay.
Dấu hiệu rõ ràng của bệnh TCM có thể nhận biết được là nổi ban và 2 dấu hiệu điển hình của trẻ biểu hiện bệnh TCM nặng là trẻ đang tỉnh nhưng sốt không đáp ứng hạ sốt; trẻ ngủ nhưng giật mình chới với, hốt hoảng. “Bên cạnh đó, nếu thấy trẻ buồn nôn, nôn ói là dấu hiệu bất thường báo hiệu chuyển nặng; hoặc thấy trẻ yếu tay, chân, cần đưa đến bệnh viện ngay. Nếu trễ thì virus sẽ xâm nhập vào não gây viêm não sẽ rất khó điều trị, gây biến chứng”- BS Chí Công khuyến cáo.
Chủ động phòng bệnh tay chân miệng
Bệnh TCM tại Việt Nam là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là các bé dưới 5 tuổi. Theo ngành y tế hiện đang là thời gian cao điểm của bệnh TCM ở trẻ em. Do đó, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh xảy ra quanh năm và thường gia tăng trong giai đoạn từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12. Bệnh TCM lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus…
Theo Bộ Y tế, các tỉnh khu vực phía Nam có trên 7.500 ca (chiếm 74,1% tổng số ca mắc TCM của cả nước). Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Vĩnh Long ghi nhận trên 250 ca mắc TCM, tăng 120 ca so với cùng kỳ năm trước.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức cho biết: “Bệnh TCM đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi bệnh này lây truyền chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ nước bọt, nốt phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Những đặc điểm này dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh rất cao khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non. Thế nhưng, công tác phối hợp, giám sát phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục mầm non lại chưa hiệu quả...”, ông Hoàng Minh Đức nhận định.
Ngành y tế tỉnh khuyến cáo các trường học bảo đảm có đủ phương tiện rửa tay, xà bông và làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày của trẻ bằng xà bông hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Các trường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Theo BS.CKI Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, nhiều trẻ đã khỏi bệnh TCM nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh, bởi miễn dịch ở trẻ đối với bệnh TCM không bền vững. Do chưa có vaccine phòng ngừa nên phụ huynh hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Nếu mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc trẻ rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Các phụ huynh không nên lo lắng quá mức nhưng cũng không được chủ quan lơ là. Khi trẻ bị bệnh TCM nhẹ (độ 1) thì điều trị ngoại trú và theo dõi các dấu hiệu nặng cần nhập viện ngay như sốt cao, nôn ói, ngủ giật mình, chới với, đi loạng choạng, khó thở, tím tái. Hầu hết trẻ bị TCM hồi phục dần sau 7-10 ngày. “Với trẻ mắc TCM có dấu hiệu cảnh báo, nếu không được nhập viện kịp thời thì có thể phát triển nặng hơn, biến chứng lên não, đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra, một số triệu chứng khác ở trẻ mắc TCM cần lưu ý là: nổi hồng ban ở tay, chân, mông; miệng chảy nước bọt kèm sốt nhẹ... và cần được cách ly, điều trị kịp thời để tránh nguy cơ biến chứng nặng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim”, bác sĩ Trần Chí Công khuyến cáo. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN