Nỗ lực giảm nguồn lây lao trong cộng đồng

04:03, 27/03/2024

Việt Nam vẫn phải chịu gánh nặng bệnh lao rất cao, dù đây là căn bệnh có thể phòng ngừa được. Để góp phần đạt mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2035, cùng với cả nước Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường phát hiện, quản lý điều trị giảm nguồn lây lao trong cộng đồng.
 

Ngành chuyên môn tổ chức sàng lọc tại cộng đồng cho người có nguy cơ tiếp xúc lây nhiễm với bệnh nhân lao, người có bệnh mãn tính và sàng lọc cho trẻ em.
Ngành chuyên môn tổ chức sàng lọc tại cộng đồng cho người có nguy cơ tiếp xúc lây nhiễm với bệnh nhân lao, người có bệnh mãn tính và sàng lọc cho trẻ em.
Việt Nam vẫn phải chịu gánh nặng bệnh lao rất cao, dù đây là căn bệnh có thể phòng ngừa được. Để góp phần đạt mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2035, cùng với cả nước Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường phát hiện, quản lý điều trị giảm nguồn lây lao trong cộng đồng.
 
Theo BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên-Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, chỉ đạo tuyến và điều dưỡng Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, những năm qua, công tác phòng chống lao tại Vĩnh Long được đẩy mạnh, nhiều bệnh nhân lao được phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn.
 
Tỉnh triển khai nhiều đợt khám sàng lọc lao tại cộng đồng cho người có yếu tố tiếp xúc, người có yếu tố nguy cơ, người mắc bệnh mãn tính và thực hiện tốt việc khám thường quy tại các cơ sở y tế.
 
Các trường hợp mắc mới đều được quản lý, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn uống thuốc đúng liều và dự phòng lây nhiễm cho người thân và những người xung quanh. Với tỷ lệ điều trị thành công luôn duy trì ở mức cao trên 95%.
“Phát hiện sớm bệnh lao để điều trị tốt nhất hạn chế biến chứng hoặc khả năng diễn tiến nặng gây tử vong đó là mục tiêu của chương trình chống lao quốc gia. Người dân cần chủ động đi khám sức khỏe và chụp phim X-quang ngực định kỳ 6 tháng một lần hoặc bất kỳ khi nào có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lao. Khi có các triệu chứng trên phải đến ngay cơ sở y tế để khám và xét nghiệm kịp thời”- BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên khuyến cáo.

 

“Hiện có 2 hoạt động sàng lọc tích cực tại cơ sở y tế và cộng đồng. Tại cơ sở y tế thì ngành y tế triển khai tại tất cả cơ sở y tế công và một số cơ sở y tế tư. Còn tại cộng đồng, Bệnh viện Phổi tỉnh tổ chức sàng lọc tại cộng đồng cho người có nguy cơ tiếp xúc lây nhiễm với bệnh nhân lao, người có bệnh mãn tính và sàng lọc cho trẻ em”- BS Mỹ Tiên cho biết.
 
Nhờ được phát hiện bệnh kịp thời thông qua hoạt động khám tầm soát lao tại cộng đồng và được điều trị tích cực đúng phác đồ nên ông Võ Thanh Vũ (TT Long Hồ) hoàn toàn khỏi bệnh lao và khỏe mạnh. Đồng thời, góp phần bảo vệ tốt sức khỏe cho người thân và cộng đồng.
 
Nhận thức được vấn đề này và tính nguy hiểm của bệnh lao, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) chia sẻ: “Chồng tôi cũng vừa điều trị lao hết được 6 tháng. Lúc đó chồng tôi cũng nghe lời khuyên bác sĩ luôn đeo khẩu trang, không ho, khạc đờm; ăn riêng, chén ly để riêng và trụng nước sôi nữa, tránh gần vợ con cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Khi có đoàn bác sĩ đến khám, tôi cho tụi nhỏ đi khám để phát hiện có bệnh thì điều trị sớm”.
 
Năm 2023, ngành y tế Vĩnh Long phát hiện đưa vào quản lý điều trị trên 4.560 trường hợp mắc bệnh lao. Đặc biệt, từ tháng 9/2022 đến nay, hoạt động sàng lọc lao trẻ em tích cực thực hiện 2X triển khai tại 14 cơ sở y tế công tư trên toàn tỉnh và sự phối hợp của 107 trạm y tế xã, với số lượng trẻ được khám sàng lọc là 16.451 trẻ.
 
Qua đó, góp phần đưa con số lao trẻ em được điều trị trong năm 2023 là 25 trường hợp, cao nhất từ trước đến nay (trước đó, mỗi năm tỉnh chỉ phát hiện trên dưới 10 ca lao trẻ em).
 
Theo BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên, bệnh lao là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, do vi khuẩn lao gây nên. Bệnh có thể gặp ở tất cả các bộ phận trên cơ thể, trong đó lao phổi là bệnh phổ biến nhất, chiếm 80-85%.
 
Triệu chứng phổ biến của bệnh lao bao gồm ho kéo dài trên 3 tuần, ho khạc đàm xanh; ho ra máu; đau ngực, khó thở; chán ăn, gầy, sụt cân; sốt nhẹ về chiều; đổ mồ hôi “trộm” ban đêm;…
 
Để góp phần ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao, mỗi người trong cộng đồng cần hiểu rõ hơn về sự lây truyền bệnh, để phòng ngừa căn bệnh này. Các chuyên gia khuyến cáo cần thực hiện tiêm phòng vaccine BCG cho trẻ sơ sinh.
 
Người dân khi ra ngoài, tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang để phòng tránh bệnh. Khi phát hiện cơ thể có triệu chứng bất thường, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm, Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Đáng chú ý, mỗi năm, nước ta có khoảng 9.200 ca bệnh nhân lao đa kháng thuốc mới mắc, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. So với miền Bắc và miền Trung thì dịch tễ lao tại miền Nam còn nặng nề hơn rất nhiều, đặc biệt tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ với khoảng 400-500 ca lao trên 100.000 dân.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh