Tuần lễ bệnh glocom (tăng nhãn áp) thế giới năm nay (từ 10-16/3) có chủ đề "Đoàn kết vì một thế giới không có bệnh glocom", nhằm tập trung vào việc khuyến khích cộng đồng trên toàn thế giới cùng nhau chiến đấu chống lại mù lòa do bệnh tăng nhãn áp gây ra; nâng cao nhận thức và tìm hiểu thêm về bệnh tăng nhãn áp.
|
Việc thăm khám là cách duy nhất để phát hiện và chữa trị glocom kịp thời trong giai đoạn đầu. |
Tuần lễ bệnh glocom (tăng nhãn áp) thế giới năm nay (từ 10-16/3) có chủ đề “Đoàn kết vì một thế giới không có bệnh glocom”, nhằm tập trung vào việc khuyến khích cộng đồng trên toàn thế giới cùng nhau chiến đấu chống lại mù lòa do bệnh tăng nhãn áp gây ra; nâng cao nhận thức và tìm hiểu thêm về bệnh tăng nhãn áp.
Bệnh có thể gây mù vĩnh viễn
Bệnh glocom là một nhóm các rối loạn liên quan đến mắt, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác của mắt. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, glocom là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ 2 trên thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể. Bệnh có diễn tiến thầm lặng và gây mất thị lực không có khả năng phục hồi.
Cứ 200 người ở độ tuổi 40 thì có một người bị bệnh, tỷ lệ này tăng lên 1/8 ở độ tuổi 80. Song phần lớn dân số toàn cầu chưa nhận thức đầy đủ về mối nguy hại của bệnh lý này.
Căn bệnh này đã ảnh hưởng tới gần 80 triệu người từ 40-80 tuổi. Đáng chú ý, trong tổng số bệnh nhân (BN) mắc glocom trên toàn thế giới, châu Á chiếm tới 47%, trong đó gần 50% người không biết mình có bệnh. Theo các nhà nghiên cứu, dự đoán đến năm 2040 có 111,8 triệu người bị mù lòa vì căn bệnh này.
Theo BS.CK2 Lương Hữu Thiện- Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Vĩnh Long, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh glocom như việc sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa chất kháng viêm corticoid lâu dài, cận thị, đái tháo đường, cao huyết áp và di truyền...
Vấn đề đáng báo động là người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị glocom do tra corticoid kéo dài. Bà Thạch Thị H. (huyện Tam Bình) được chẩn đoán glocom thứ phát khi đến Bệnh viện Mắt tỉnh khám. Trước đó gần một năm bà tự lấy thuốc điều trị viêm xoang do thấy đau đầu, nhức nửa mặt, nhức 2 hốc mắt và thị lực giảm.
“Bệnh nguy hiểm ở chỗ không có thuốc điều trị hoặc phẫu thuật nào có thể phục hồi được những tổn thương chức năng và thực thể do glocom gây ra. Song, hiện nay người dân vẫn còn chưa biết nhiều về bệnh, tự ý điều trị và thường đến bệnh viện khi bệnh tình đã trở nên quá nặng, nhiều trường hợp gây mù vĩnh viễn”- BS Hữu Thiện nhấn mạnh.
Phát hiện sớm- phòng tránh được mù lòa do glocom
Theo BS.CK2 Lương Hữu Thiện, người mắc glocom thường rất khó để nhận biết những dấu hiệu của bệnh, bởi bệnh thường tiến triển âm thầm và không có các triệu chứng rõ ràng. Cũng có nhiều BN đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên hiệu quả điều trị không cao.
Do đó, nếu không được điều trị kịp thời, BN có thể bị ảnh hưởng đáng kể tới thị lực. BN thường sẽ mất phần thị lực ngoại vi trước, sau đó sẽ thấy tầm nhìn trung tâm bị thu hẹp dần. Nếu bệnh trở nên nặng hơn, BN có thể mất thị lực hoàn toàn. Lúc này các phương pháp điều trị glocom đã không còn khả năng giúp người bệnh giữ được thị lực.
Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, glocom là bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi và giới tính nào.
Song, nhóm nguy cơ cao gồm người trên 40 tuổi; người có người thân trong gia đình (cha mẹ, anh chị em, con cái) mắc bệnh glocom (yếu tố di truyền khiến trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh); người có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch; người mắc tật khúc xạ như cận viễn thị cao, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh; người sử dụng thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài, người có tiền sử chấn thương ở mắt.
Nhóm đối tượng trên nên thăm khám định kỳ để tầm soát nguy cơ mắc bệnh ít nhất 1 năm/lần, người có người thân mắc bệnh glocom khám định kỳ 6 tháng/lần. Việc thăm khám là cách duy nhất để phát hiện và điều trị glocom kịp thời trong giai đoạn đầu.
“Khi thấy mắt mờ hoặc đau mắt thì nên đi khám, phát hiện sớm thì điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn. Người dân có thể phòng tránh được mù lòa do glocom bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.
Bệnh glocom còn có yếu tố di truyền nên người bệnh và những người ruột thịt của BN cần có kiến thức để phát hiện bệnh glocom sớm, đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị kịp thời”-BS Hữu Thiện khuyến cáo.
Triệu chứng của bệnh glocom
Bệnh thường khởi phát một cách đột ngột, hay xuất hiện vào lúc chiều tối, khi BN đọc sách hoặc trong cơn xúc cảm mạnh.
- Cảm giác đau nhức mắt dữ dội, cơn đau có thể lan ra nửa đầu cùng bên.
- Mắt bị căng, tức.
- Nhìn mọi vật mờ, có thể thấy màn sương trước mắt và tầm nhìn bị thu hẹp.
- BN bị chảy nước mắt, mắt đỏ.
- Giác mạc bị phù và mờ đục.
- Cảm giác đau đầu âm ỉ, nhức nhối.
- BN buồn nôn, nôn và chán ăn.
- Cảm giác sợ ánh sáng và tiếng động.
|