Là tuyến y tế gần người dân nhất, trạm y tế là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi bệnh, hay có dịch bệnh xảy ra. Những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở Vĩnh Long được củng cố, phát triển hoàn chỉnh và chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngày càng được nâng lên.
(VLO) Là tuyến y tế gần người dân nhất, trạm y tế là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi bệnh, hay có dịch bệnh xảy ra. Những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở Vĩnh Long được củng cố, phát triển hoàn chỉnh và chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngày càng được nâng lên.
100% trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều tham gia theo dõi, giám sát, quản lý, điều trị bệnh nhân mắc lao tại cộng đồng khi chuyển về địa phương. |
Đưa dịch vụ y tế đến gần dân
Hiện nay, 107 trạm y tế, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng khang trang, đầu tư đạt chuẩn với đội ngũ y, bác sĩ tận tâm phục vụ và nhiều thiết bị y tế cận lâm sàng hiện đại như máy siêu âm, máy đo điện tim,... được trang bị.
Trạm y tế là tuyến cơ sở gần dân nhất, nhưng áp lực công việc ở đây không hề nhẹ nhàng. Hầu hết người dân bị các bệnh mạn tính như: huyết áp, tiểu đường, tâm thần, lao… đều đến trạm y tế để khám và nhận thuốc.
Lực lượng y, bác sĩ ở trạm y tế không chỉ khám, chữa bệnh, mà còn xuống ấp để tuyên truyền phòng bệnh, đi tiêm chủng mở rộng…
Ông Lê Thành Khai (TT Long Hồ) có con trai mắc bệnh lao cho biết: “Bác sĩ trạm y tế đến tận nhà nhắc nhở, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cữ, đúng liều và các biện pháp phòng bệnh, vật dụng cá nhân của con đều dùng riêng, để riêng để tránh lây nhiễm cho người trong nhà. Cả nhà tôi đều được tầm soát lao”.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng- Trưởng Trạm Y tế xã Chánh An (Mang Thít) khám, kiểm tra sức khỏe cho cụ Nguyễn Thị Ba (104 tuổi, ấp An Hòa). |
Bà Trần Thị Thu Ba đến Trạm Y tế xã Trung An (huyện Vũng Liêm) khám và điều trị bệnh viêm phế quản. Bà kể: “Không riêng tui mà người dân ở xã khi ốm đau đều đến đây để chữa bệnh vì đường đi thuận tiện, bác sĩ rất thân thiện, tận tình, chất lượng khám và điều trị bệnh rất tốt”.
Bác sĩ Trần Tuấn Kiệt- Trưởng Trạm Y tế xã Trung An, cho biết trạm được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vận động xây dựng từ năm 2008. Nếu không có trạm y tế này, người dân phải đi xa hơn 12km mới đến được bệnh viện huyện.
“Từ khi trạm y tế được đưa vào sử dụng, người dân rất phấn khởi, vì có nơi gần nhà để chăm sóc sức khỏe. Bình quân mỗi năm trạm tiếp nhận và điều trị bệnh thông thường cho trên 10.000 lượt người”- bác sĩ Tuấn Kiệt nói.
Hiện nay, hầu hết các trạm y tế đều đảm bảo đủ chức danh cho tuyến y tế xã, trong đó có xã còn có cả bác sĩ Tây y và Đông y khám chữa bệnh nên người dân rất yên tâm khi được chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế ban đầu.
Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Lộc (Tam Bình) Bùi Văn Nhiên phấn khởi: “Trạm có đủ chức danh theo quy định của Bộ Y tế về y tế tuyến xã và có đến 2 bác sĩ vừa Tây y, vừa Đông y phục vụ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, là địa chỉ tin cậy của người dân địa phương”.
Tuyên truyền người dân dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà thường xuyên; thả cá trong lu để diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết. |
Chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người cao tuổi
Có mặt tại Trạm Y tế xã Trà Côn (huyện Trà Ôn) vào những ngày cuối năm- nơi có khoảng 24% dân số là người Khmer, chúng tôi ghi nhận sự tận tình của các y, bác sĩ nơi đây trong quá trình tiếp nhận, thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà cách sử dụng thuốc, cách phòng một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Ông Thạch Son (ấp Ngãi Lộ A) cho biết: “Tôi bị cao huyết áp. Hôm nay cảm thấy không khỏe, tui ghé trạm để khám và lấy thuốc về uống. Bác sĩ còn dặn không được quên uống thuốc để điều chỉnh lại huyết áp và phòng bị đột quỵ”.
Ngoài được điều trị bệnh khi đến trạm y tế, các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh đi lại khó khăn còn được nhân viên y tế đến tận nhà thăm khám và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.
“Ở đây bác sĩ tận tình lắm, coi mình như người thân trong nhà. Nhiều khi bác sĩ phải tới lui nhiều lần để khám bệnh cho mình. Người dân ở đây ai cũng thích bác sĩ của trạm”- ông Thạch Rem (ấp Ngãi Lộ A) kể.
BS.CK1 Đặng Văn Đầy- Trưởng Trạm Y tế xã Trà Côn (Trà Ôn) hỏi thăm sức khỏe ông Thạch Rem (ấp Ngãi Lộ A). |
Theo BS.CK1 Đặng Văn Đầy- Trưởng Trạm Y tế xã Trà Côn, để thuận tiện chăm sóc người dân, đội ngũ y tế cũng nâng cao trình độ bằng cách học tiếng Khmer từ người dân ở địa phương để mối quan hệ giữa trạm y tế và bà con đồng bào khăng khít hơn, chăm sóc sức khỏe cho bà con tốt hơn.
Trưởng Trạm Y tế xã Chánh An (huyện Mang Thít)- Phạm Văn Dũng cũng cho biết, thông qua hoạt động khám sức khỏe đã kịp thời tư vấn, phát hiện sớm bệnh. Cũng từ hoạt động này, các y, bác sĩ kịp thời động viên, tuyên truyền để người dân và gia đình quan tâm công tác phòng bệnh, nâng cao ý thức tập luyện và lựa chọn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tốt cho sức khỏe người cao tuổi.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở là cần thiết. Bởi đây là tuyến y tế gần dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu và nhiều chương trình mục tiêu y tế quốc gia.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên y tế cơ sở không chỉ phát huy hiệu quả trang thiết bị y tế được đầu tư mà còn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong tình hình mới.
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt các trạm y tế giữ một nhiệm vụ quan trọng đó là chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện, điều trị và quản lý các bệnh không lây nhiễm. Trong thời gian tới ngành chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang thiết bị để anh em ở các trạm y tế hoạt động tốt hơn. Về nhân lực chúng tôi sẽ tập trung đào tạo cho viên chức tại trạm bằng chương trình đào tạo dài hạn, ngắn hạn; đầu tư trang thiết bị cho y tế cơ sở như máy siêu âm, máy đo điện tim để anh em có đủ phương tiện khám chữa bệnh, tạo dựng được niềm tin cho người dân đến với y tế cơ sở. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN